Matt Mahan

ads header

Breaking News

Phỏng vấn bà TN Thùy Lan nhân VIETNAMERICA đến Ottawa

Phỏng vấn bà Tôn Nữ Thùy Lan nhân dịp Phim VIETNAMERICA đến Ottawa

“Trường Dạy Chủ Nghĩa Cộng Sản Con Tôi Nghe Cũng Thấy Hay
Tôi Mong Đợi Phim VIETNAMERICA Từ Khi Phim Mới Làm Xong”

* Triều Giang

Hình trái: Bà Tôn Nữ Thùy Lan. Hình giữa, từ trái: nhạc sĩ Vũ Hàn Giang (phu quân), bà Tôn Thất Thiện (thân mẫu), Vũ Cung Đàn (con trai cả),Tôn Nữ Thùy Lan, Vũ Ánh Sao (con trai út),  Vũ Như Mây(con gái), Gs. Tôn Thất Thiện (thân phụ). Hình phải: Vũ Như Mây (bên phải) trong một màn múa quạt tại Hội chợ Tết Ottawa 2004.
LTS:Nhân dịp Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt, viết tắt (VAHF) đưa phim VIETNAMERICA tới trình chiếu tại Montreal vào lúc 1 giờ trưa thứ Bảy 29 tháng 4, 2017 tại rạp Theater Outremont số 1248 ave Bernard Ouest Montreal ĐT: (514) 495-9944 và tại Ottawa vào lúc 3 giờ chiều ngày 30 tháng 4, 2017 tại rạp Mayfair Theatre số 1074 Bank St Ottawa, ON, Canada K1S 3X3. ĐT: (613) 730-3403- sau khi chiếu phim sẽ có phần gặp gỡ và thảo luận với Nhà sản xuất, đại diện hội VAHF và Ban Tổ chức. Đặc biệt suất chiếu tại Montreal sẽ có sự góp mặt của Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh, một trong những nhân vật chính trong phim - chúng tôi có thực hiện một số cuộc phỏng vấn ngắn dành cho các nhà giáo, nhân sĩ và nhà hoạt động tại hai thành phố nói trên để tìm hiểu về những suy tư của họ về việc bảo tồn và nhất là truyền đạt cho giới trẻ về lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như những mong đợi của họ khi phim VIETNAMERICA đến trình chiếu tại địa phương của họ.VIETNAMERICA, cuốn phim nói lên sự thực về chiến tranh Việt Nam và hành trình đầy máu và nước mắt của hơn 2 triệu người Việt đi tìm tự do sau khi đất nước rơi vào tay Cộng sản.  Dưới đây là cuộc phỏng vấn với Bà Tôn Nữ Thùy Lan, một nhân sĩ đã đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa Việt Nam tại Ottawa. Xin mời độc giả theo dõi:

Triều Giang: Xuất thân từ một gia đình khoa bảng, thân phụ của bà là giáo sư Tôn Thất Thiện, phu quân là nhạc sỹ Vũ Hàn Giang, khi học Đại học bà cũng đã theo học ngành nhân văn và hiện đang làm việc cho ngành nhân sự, xin bà cho biết việc gìn giữ văn hóa Việt Nam tại hải ngoại có cần thiết hay không và tại sao?

TN Thùy Lan: Cây có cội, nước có nguồn.  Cây có thể bứng lên mang trồng đất mới và sẽ mọc nhiều rễ mới, nhưng lúc dời cây phải cẩn thận mang theo thật nhiều rễ thì qua đất mới cây mới mọc mạnh đựoc. Tôi nghĩ là trường hợp người Việt tị nạn cũng như cây mang trồng đất mới, sẽ mọc rễ mới nhưng phải có gốc từ đất cũ.Đối với thế hệ người Việt thứ hai, nếu không hiểu nguồn gốc mình thì giống như thiếu cái cội gốc nuôi dưỡng thân cây.Các em sanh và lớn lên ở ngoại quốc nếu đựoc biết nhiều về nguồn gốc và văn hoá Việt Nam thì sẽ hãnh diện và ý thức đựoc chỗ đứng của mình trong đất nước đã chào đón gia đình mình. Ngoaì ra, các em cũng hoà đồng đựoc dễ dàng hơn với đại gia đình và cộng đồng người Việt.Các em được nghe nhiều về các cuộc tranh đấu của người Việt trong lịch sử, từ chống Taù đến chống cộng sản và mất nước, mới hiểu được ông bà mình đã trải qua những gì, tại sao cha mẹ mình hết sức cố gắng và khuyến khích các con chăm chú học hành.  Ngoaì ra, các em cũng sẽ quý trọng thể chế tự do, dân chủ  và sự yên bình nơi quê hưong mới hơn.

Tiếng Anh có câu "a strong sense of identity rooted in history" tạm dịch là "ý thức căn tính vững vàng nhờ dựa vào lịch sử", chứng tỏ là  xã hội Tây phương cũng rất quý việc hiểu rõ mình là ai. Còn Québec, nơi tôi đặt chân đến năm 1975, thì đặt câu "Je me souviens" có nghĩ là "Tôi nhớ" trên tất cả các bảng số xe để nhắc nhở ngừoi dân Québec nhớ nguồn gốc của mình. Ngày nay nhiều em không có điều kiện học tiếng Việt, may sao thế hệ đi trước đang từ từ làm phim, dịch sách vở và viết hồi ký bằng tiếng Anh để thế hệ sau có thể tìm hiểu thêm.

TG: Theo bà thì Lịch Sử Việt Nam, đặc biệt là Lịch sử của chiến tranh Việt Nam và người Việt hải ngoại có được phản ánh trung thực trong các sách báo, phim ảnh, sách giáo khoa tại Canada hay không? Xin bà cho ví dụ cụ thể.

TN Thùy Lan: Lịch sử chiến tranh Việt Nam bằng tiếng Anh, tiếng Pháp trong mấy mưoi năm liền tuỳ thuộc vào ngòi bút của ký giả và học giả phưong Tây.  Phần đông các ký giả naỳ không biết tiếng Việt, không dùng tài liệu Việt.Cả mấy trăm ký giả ngoại quốc được tự do đi lại chụp ảnh ở miền Nam Việt Nam, trong khi chỉ một vai ngừoi đựoc  ra ngoài Bắc, và những người đó lúc nào cũng có cán bộ kèm bên cạnh không được tự do đi tìm hiểu. Như vậy dĩ nhiên những bài viết của họ không cân bằng.

Những phim như "Rambo", "Apocalypse Now" thì nhìn chiến tranh Việt Nam hoàn toàn dưới cái nhìn của ngừoi Mỹ, và cốt chiếu những cảnh ngừoi Mỹ phải khổ sở trong bom đạn ở một nơi xa xứ sở họ mấy chục ngàn dặm. Trong khi đó những sự can đảm và hy sinh của quân lực Việt Nam Cộng Hoà không được nhắc đến. Những bài báo của tờ New York Times, hay những quyển sách nổi tiếng như quyển "Last Reflections on a War" của Bernard Fall (1967) , "Fire in the Lake " của Frances FitzGerald (1972) , "Viet Nam a History" của Stanley Karnow (1983)  đều đưa ra hình ảnh một xứ Việt Nam nhỏ bé phaỉ chống lại một cường quốc như xứ Mỹ, một Hồ Chí Minh yêu nước nhiều hơn là theo chủ nghĩa cộng sản, một Mặt trận giải phóng miền Nam hoàn toàn không lệ thuộc vào Hà Nội.

Cha tôi, giáo sư Tôn Thất Thiện, đã viết rất nhiều bài tiếng Anh/Pháp để chứng tỏ là những học giả, ký giả này đã lọt vào vòng lưới tuyên truyền của Hà Nội, nhưng những bài báo của ông chỉ là giọt nước trong biển cả.  Những bài của ông tôi đã gom lại vào web site Tonthat thien.com http://www.tonthatthien.com/ , đặc biệt bài "Thoughts on April 30 - The South Vietnam Liberation Front and Hanoi Myth and Reality" nói về những gì chính quyền Hà Nội đã gạt thế giới
http://www.tonthatthien.com/wp-content/uploads/2015/07/2000-Sober-Thoughts-on-April-30-The-South-Vietnam-Liberation-Front-and-Hanoi-Myth-and-Reality.pdf

Tuy từ từ các học giả Mỹ đã bắt đầu truy tầm tài liệu Việt Nam và thay đổi cách suy nghĩ, nhưng mới cách đây 2 năm tôi có xem một phim của đài truyền hình Pháp Arte về hội nghị Paris giữa Lê Đức Thọ và Kissinger năm 1973 tựa đề  "Guerre du Viet Nam, au coeur des négociations secrètes", tạm dịch là “ Chiến Tranh Việt Nam Tại Trung Tâm Của Các Cuộc Đàm Phán Bí Mật “ https://youtu.be/iI6vTFaUX6A của ký giả Pháp Daniel Roussel.  Bạn tôi, anh Marcelino Trương, được nhờ vẽ minh hoạ cho phim này. Anh rất bực vì lúc phim làm xong anh mới biết là phim này có góc nhìn không cân bằng. Trong phim chỉ có một cựu quân nhân miền Nam được phỏng vấn, mà lại ở Việt Nam, thì anh có thể nói được gì? Ông Roussel còn nói là Hồ Chí Minh là thần tượng của tất cả dân Việt Nam, rồi nhắc đến vụ thảm sát Mỹ Lai nhưng lại không nói gì đến việc cộng sản giết mấy ngàn ngừoi ở Huế năm Mậu Thân.  Sau cùng phim kết luận là Việt Nam đang trên đường mở mang giàu có, mà không hề giải nghĩa đó là nhờ nhà nước đã phải theo kinh tế thị trường tư bản sau khi kinh tế Việt Nam gần sụp đổ dưới chế độ kinh tế cộng sản mấy năm đầu sau 1975.

Bây giờ đời sống người Việt Nam ở ngoại quốc đã ổn định và người Việt càng ngày càng làm nhiều phim, viết nhiều sách bằng tiếng Anh.  Nhờ vậy thế hệ con cháu mình sẽ có được những tài liệu mới để hiểu biết về chiến tranh Việt Nam. Thật là chuyện đáng mừng!

TG: Lời khuyên của bà cho các bậc cha mẹ và nhất là các bạn trẻ muốn đi tìm nguồn gốc của mình cũng như những kinh nghiệm và hy sinh của các bậc cha ông để các em được sống tự do trong ngày hôm nay.

TN Thùy Lan: Việc này không phải dễ, vì đời sống ai cũng bận rộn. Mình là người tị nạn, phải lập lại đời sống mới, cố gắng gia nhập vào đất nước mới. Cha mẹ đi làm cả ngày, giữ  cho con nói được tiếng Việt đã là chuyện khó rồi, huống chi dạy thêm cả sử ký và văn hoá Việt!  Có nhiều gia đình lại còn phải lo cho cha mẹ lớn tuổi, đau yếu, thì làm sao tìm được thì giờ để bàn luận chuyện quê hương nguồn gốc với con.Gia đình nào may mắn có ông bà còn khoẻ mạnh thì có thể nhờ ông bà nói chuyện, dạy cháu tiếng Việt.  Vùng nào có trường Việt Nam thì quá tốt rồi!  Ngoài ra nếu cộng đồng người Việt có nhiều hoạt động thì mình có thể khuyến khích con gia nhập. Nói và hiểu đựoc tiếng Việt thì còn làm đựoc, nhưng đọc sách tiếng Việt thì quá khó cho các em, nên mình có thể dùng tài liệu tiếng Anh.

Truyền bá sử ký, văn hoá là chuyện đường dài, nhưng nếu mình cố gắng thì sẽ có kết quả.  Mỗi gia đình làm theo sức mình thôi!

Ngày nay phim sách của ngừoi Việt viết bằng tiếng Anh cũng đã nhiều, nếu mình có thì giờ cùng coi phim đọc sách bàn luận với con thì đó là một cách làm cho mình gần gủi với các con hơn. Riêng gia đình tôi thì lúc nhỏ tôi tập cho các cháu hát các bài dân ca, và sau này vợ chồng tôi cố viết những bài nhạc tiếng Việt nhắc đến quê hương như bài "Cám Ơn Anh Thưong Phế Binh  Việt Nam Cộng Hoà" https://m.youtube.com/watch?v=NN45PH4kI1w&feature=youtu.be. Để cho con cùng đóng góp, chúng tôi cùng con viết những bài nhạc chủ đề Việt Nam bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, chẳng hạn như bài "Viet Nam My Country" https://youtube/9pL7LB3pGRg hay bài "En Exil" https://youtu.be/t3wLecWpvg8
Để các con hiểu dân chủ tứ do rất quý báu và mình mang ơn quê hương thứ hai đã cưu mang mình, chúng tôi viết bài " Thanh You, Merci Canada" https://g.co/kgs/6PQooO

Âm nhạc có thể giúp truyền bá văn hoá nhưng theo tôi nghĩ sử ký Việt Nam, nhất là những chi tiết về chiến tranh Việt Nam và lý do người Việt phải tị nạn, là khía cạnh quan trọng nhất mà thế hệ đầu phải truyền lại cho thế hệ sau, nên nếu có dịp như xem phim Vietnamerica các bậc cha mẹ nên khuyến khích các con đi xem. Riêng về các bạn trẻ, không gì bằng ngồi xuống hỏi chuyện cha mẹ, ông bà.Những câu chuyện cha mẹ ông bà, hay các cô chú bác kể lại là những chuyện liên quan đến gia đình các bạn, lồng trong khung cảnh lịch sử Việt Nam.Ông bà cha mẹ là những nhân chứng mà sách vở khó thay thế.

Ngoaì ra thì ngày nay có internet, có nhiều phương tiện học hỏi. Các bạn muốn tìm tòi thì có hội Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt đã bỏ công sức sưu tập trên 200,000 trang tài liệu lưu trữ tại Vietnam Center tại Đại Học Texas Tech, Lubbock và hoàn thành Bộ Sử Oral History. Các bạn có thể tham khaỏ những bộ siêu tập naỳ qua websites: http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm , www.hoibaotonlichsuvanhoa.org

TG: Lý do khiến bà tham gia buổi trình chiếu phim VIETNAMERICA trong ngày 30 tháng 4, 2017 sắp tới?

NT Thùy Lan:Tôi chờ đón phim Vietnamerica từ ngày đựoc tin phim đã làm xong.  Vì nhà tôi đang đau khá nặng, nên nếu phim không đến Ottawa là tôi không được xem.Mấy lâu nay chỉ có phim tàì liệu của ngoại quốc, lần đầu tiên có phim ngừoi Việt tị nạn làm, thật quý quá. Phim Vienamerica laị còn được bao nhiêu giải thưởng! Mẹ tôi 91 tuổi rồi mà nghe tin cũng xin đi xem, huống hồ là tôi.  Nhưng quan trọng nhất cho tôi là cho các con xem. Tiếc quá cháu lớn lúc đó đang đi xa, cháu giữa lại đang thi ở tỉnh khác không biết có về được không.Còn cháu út, 17 tuổi, tôi rất mừng cháu sẽ được xem phim này.Mấy năm liền tôi bận lo cha rồi lo chồng đau ốm, nên chỉ thúc cháu học ở trường chứ về nhà không dạy thêm tiếng Việt hay cùng nghe nhạc, đọc truyện hay đọc sử Việt Nam như với hai cháu lớn.

Trong trường có dạy chủ nghĩa cộng sản và cháu nói thấy triết lý chia của đồng đều nghe cũng hay, chắc tại vì áp dụng sai nên mới không tới đâu.Tôi phải giải nghĩa cho chaú là Karl Marx chưa bao giờ mô tả chi tiết về việc chủ nghĩa cộng sản sẽ dựa trên một hệ thống kinh tế như thế nào.  Tôi muốn cháu hiểu rõ là lý thuyết là một chuyện, mà thực hành là một chuyện, và hiểu rõ là cộng sản Việt Nam đã làm khổ bao nhiêu thế hệ người Việt mình và là lý do bao nhiêu thuyền nhân phải bỏ mạng đi tìm tự do. Tôi thật tình cám ơn các anh chị trong Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt đã bỏ công sức ra làm một công việc thật có ý nghĩa!

TG: Xin chân thành cám ơn bà đã bỏ thì giờ để trả lời cuộc phỏng vấn này.

Triều Giang thực hiện
(04/2017)