Họa Bắc Triều Tiên bao trùm chuyến đi châu Á của Tillerson
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. REUTERS |
(RFI) Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm nay, 15/03/2017, bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên của ông vào lúc mà mối hiểm họa hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng. Ông Tillerson đến Tokyo hôm nay và thứ Sáu, 17/03, sẽ đến Séoul, trước khi ghé Bắc Kinh trong hai ngày 18 và 19/03.
Trước khi trao lại chìa khóa Nhà Trắng cho Donald Trump, Barack Obama đã báo trước rằng chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên sẽ là hồ sơ gay góc nhất mà tân tổng thống Mỹ phải giải quyết.
Cho nên, trách nhiệm được giao trong chuyến công du châu Á lần này quả là hết sức nặng nề đối với ông Tillerson, nguyên là một lãnh đạo công ty dầu khí, không có chút kinh nghiệm gì về ngoại giao, thậm chí chưa bao giờ là thành viên một nội các.
Ngoại trưởng Tillerson đặt chân đến châu Á chỉ vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn 4 tên lửa về hướng biển Nhật Bản, cho thấy là Bình Nhưỡng nhắm tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, thậm chí nhắm tới bờ biển của Mỹ hướng về Thái Bình Dương. Hôm qua, các tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã cảnh báo là Bắc Triều Tiên có thể có những hành động khiêu khích mới để đáp lại cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hiện đang diễn ra.
Ngoại trưởng Tillerson đã báo trước là ông sẽ có thái độ cứng rắn với chế độ Kim Jong Un khi hội đàm với các lãnh đạo hai nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như với lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng nếu như ông Tillerson dễ có được sự đồng cảm của thủ tướng Nhật Shinzo Abe và của quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn, thì ông sẽ khó mà thuyết phục được giới lãnh đạo Trung Quốc, trong khi chỉ có Bắc Kinh mới có đủ khả năng tác động lên đồng minh Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm nay đã báo động rằng tình hình ở bán đảo Triều Tiên và ở vùng Đông Bắc Á nói chung đã trở nên căng thẳng và những căng thẳng này có thể dẫn đến xung đột. Mặc dù chia sẻ mối quan ngại của Washington về tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh lại có phản ứng chừng mực hơn với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Cho tới nay, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chống lại mọi hành động có thể gây mất ổn định chế độ Kim Jong Un và đặc biệt cực lực phản đối việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Washington vẫn khẳng định rằng hệ thống này chỉ nhằm bảo vệ Hàn Quốc và các căn cứ của Mỹ trước nguy cơ tên lửa Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh sợ rằng hệ thống radar của THAAD sẽ làm suy yếu hệ thống tên lửa của Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là do lỗi của Bình Nhưỡng lẫn Washington. Ngoại trưởng Vương Nghị cách đây vài ngày đã đề nghị là, đổi lấy việc Bắc Triều Tiên ngưng các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ phải ngưng tập trận chung với Hàn Quốc. Nhưng phía Mỹ đã bác ngay đề nghị đó.
Trước viễn cảnh bế tắc giải pháp cho hồ sơ Bắc Triều Tiên, một số nhân vật cứng rắn ở Washington đang thúc đẩy việc ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng. Nhưng các quan chức Mỹ khẳng định là trong chuyến công du châu Á lần này của ông Tillerson, chưa có bất cứ biện pháp nào mới được loan báo. Trước mắt, ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm dò phản ứng của phía Trung Quốc về ý định thi hành các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên nặng nề hơn, nhưng đồng thời phải trấn an Bắc Kinh là sẽ không xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước.