Matt Mahan

ads header

Breaking News

Gương can đảm tại nghị trường

Gương can đảm tại nghị trường
Giao Chỉ, San Jose.

30 năm trước cộng đồng và sinh viên Việt tại San Jose chống Tom Hayden, bây giờ là chuyện 30 năm sau.
---- o0o ----

1987 Sinh viên và giáo sư thắp nến chống Tom Hayden
2017 Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn lên án Hayden tại nghị trường

Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn.
Trong cuộc đời, gặp phải hoàn cảnh đặc biệt con người thường không phản ứng kịp, không làm được những điều đáng lý phải làm, rồi để cơ hội qua đi. Thật đáng tiếc. Thường nghĩ rằng phải chi ta nên hành động. Thay vì ngồi yên. Rất cần một chút nổi giận. Một chút can đảm. Nhưng kỳ vừa qua, tại nghị trường CA, cô thuyền nhân trẻ tuổi ngày xưa, nay trở thành nghị sĩ CA đã không có điều gì phải hối tiếc. Cô đã hành động quyết liệt tưởng như giận dữ đi ngoài khuôn phép của nghị trường. Nhưng cô đã nổi giận hợp lý và dù đã bị đuổi ra khỏi nghị trường, nhưng cô đã trở thành anh hùng của đảng Cộng Hoà tại CA. Chuyện phải kể lại từ đầu để độc giả hiểu rõ. Ngày xưa tổng thống Kennedy lúc còn là thượng nghị sĩ đã xuất bản cuốn ký sự về kinh nghiệm trong cuộc đời chính trị có tựa đề là Gương can đảm tại nghị trường.(Profiles in Courage) Cuốn này được giải   . Pulitzer 1957. Như vậy trên diễn đàn quốc hội, sự hùng biện chưa đủ. Đấu tranh quyết liệt cho một lý thuyết hay một chủ trương cũng chưa đủ. Đôi khi phải nổi giận đi ra ngoài khuôn phép mới thực sự là can đảm tại nghị trường. Thượng viện Hoa Kỳ vốn là nơi được coi là văn minh lịch sự. Các thượng nghị sĩ thường không chỉ trích lẫn nhau như Hạ viện. Vậy mà tháng trước bà thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của đảng Dân chủ đă xé rào phê phán nặng nề ông thượng nghị sĩ Cộng Hỏa Jeff Sessions hiện đã được tân tổng thống bổ nhậm chức vụ tổng trưởng tư pháp. Bà Thượng Dân Chủ đọc lá thư của bà mục sư King để lên án ông Thượng Cộng Hòa. Bà Warren đã bị ông chủ tịch Cộng Hòa ra lệnh chấm dứt phần công kích và bắt phải ngồi xuống.

Vụ nay đã trở thành một đề tài thảo luận tại nghị trường về sự vi phạm quyền tự do ngôn luận của tu chính án số 1. Bà Thượng của đảng Dân Chủ trở thành người nêu gương can đảm tại nghị trường. Bây giờ đến chuyện cô thượng nghị sĩ CA Janet Nguyễn của Cộng Hòa đã vượt tất cả các nguyên tắc khi đứng lên bày tỏ thái độ với chuyện thượng viện  vinh danh nguyên thượng nghị sĩ quá cố Tom Hayden. Với tư cách người con của chiến binh VNCH đồng thời là một thuyền nhân thiếu nhi, nạn nhân của cộng sản. Nếu thượng viện CA tìm thấy lý do để vinh danh một đồng viện quá cố thì cô dân cử gốc Việt của thế kỷ 21 cũng có lý do để nhắc nhở đồng viện rằng không phải Tom Hayden đơn thuần là một người lãnh đạo phong trào phản chiến mà tay này chính là một người phản quốc. Tom đã công khai tiếp tay cho kẻ thù và mang tội với các chiến binh Hoa Kỳ.

Để hiểu rõ nội vụ chúng tôi xin trích đoạn THƯ PHẢN ĐỐi của cộng đồng Việt Nam tại San Jose như sau.

**************

 Ngày 23/2/2017, trong phiên họp của Thượng Viện California, Bà Janet Nguyễn, TNS tại Orange County, hạt 34 Nam Cali, đại diện cho rất nhiều người Mỹ gốc Việt tỵ nạn cộng sản, đã chỉ trích cựu TNS Tom Hayden. Bà cho biết ông Hayden từng đứng về phía cộng sản Hà Nội chống lại quân đội và nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân Nam, Việt Nam. Việc này khiến cho bà phải vượt biển tìm tự do cùng gia đình. Bà đã bị chủ tịch phiên họp là TNS Ricardo Lara, thuộc đảng Dân Chủ đơn vị Bell Gardens, cắt âm thanh và cho an ninh đuổi bà ra khỏi phòng họp. Bà Janet Nguyễn, môt người Việt tỵ nạn cộng sản phát biểu ý kiến về con người thật của Tom Hayden thời chiến tranh Việt Nam. Trong chiến tranh, Tom Hayden đã đứng về phía cộng sản Hà Nội, kẻ thù của chính phủ, nhân dân và quân đội Hoa Kỳ khi họ đang chiến đấu bảo vệ nền tự do của miền Nam Việt. Tom chính là một kẻ phản quốc.  Năm 1974, cùng với vợ ông là Jane Fonda, cũng là một nhà phản chiến thân cộng, đã thực hiện cuốn phim tài liệu Introduction to Enemy, một phim tuyên truyền ca ngợi cộng sản Hà Nội,

Việc cắt âm thanh và dùng vũ lực đuổi một nữ thượng nghị sĩ gốc thiểu số là hành động bóp nghẹt quyền tự đó ngôn luận, kỳ thị chủng tộc.  

**************

 Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ Thượng Viện Hoa Kỳ xuống đến thượng viện CA đã có 2 trường hợp các vị chủ toạ không cho 2 phụ nữ đồng viện lên tiếng. Tại thủ đô DC bà Dân Chủ bị Cộng Hòa bịt miệng. Tai Sacramento đến lượt bà Cộng Hòa bị Dân chủ bịt miệng. Gương can đảm tại nghị trường được vị tổng thống danh tiếng ghi lại đã có 2 người thực hiện đều là phụ nữ.

**************

Riêng về phần Tom Hayden vốn là người quen cũ với San Jose từ 30 năm về trước. Năm 1987 trường San Jose College có khá nhiều sinh viên Việt Nam. Ông Trần công Thiện lúc đó có giờ dậy về văn hóa Việt đã báo tin cho IRCC và Liên Hội người Việt Bắc CA về việc tay phản chiến số một đã được hiệu trưởng Mỹ gốc Phi châu mời về nói chuyện ngày mãn khóa. Cộng đồng cùng các sinh viên VN và các cựu chiến binh Hoa Kỳ vận động lên tiếng chống đối. Tôi còn nhớ lúc đó có các anh Lại Đức Hùng, Đỗ Hùng, Vũ huynh Trưởng và rất nhiều người khác...Cô sinh viên trẻ tuổi Dương Thị Tiến, là một gương mặt đấu tranh manh mẽ năm đó chuẩn bị mũ áo lãnh bằng đã kể lại chuyện cũ như sau.

Lễ tốt nghiệp của trường San Jose City College vào  năm 1987 tổ chức tại San Jose Convention Center tại đường San Carlos. Tom Hayden được mời đọc diễn văn. Một số sinh viên và nhất là các sinh viên Việt Nam của trường phản đối không muốn Tom Hayden hiện diện vì họ cho rằng “ Tom  là kẻ phản chiến, phản bội nước Mỹ, không xứng đáng hiện diện trong buổi lễ vì đây là buổi lễ có ‎ ý nghĩa và của riêng họ. Lúc đó trong trường có hai nhóm. Một nhóm muốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tán thành để Tom Hayden nói. Nhóm sinh viên khác chủ trương đây là buổi lễ riêng, không muốn có những người lảm hỏng buổi lễ quan trọng. Sau cùng ông Khoa Trưởng chấp thuận yêu cầu của sinh viên, đồng thời cũng do áp lực của cộng đồng Việt tỵ nạn cộng sản. Tom Hayden sẽ không nói chuyện trong ngày mãn khóa.Ông dứt khoát loan báo như vậy.Trong buổi lễ ông Khoa Trưởng và ban giảng huấn đang ngồi trên sân khấu . Chợt thấy Tom Hayden xuất hiện thì các sinh viên tốt nghiệp và rất nhiều giáo sư đứng lên phản đối “ walk out” . Hội trường lúc đó rất hỗn loạn. Tom Hayden bị escort xuống sân khấu, Sinh viên và giáo sư kéo xuống đường đốt nến phản đốí . Về sau đó Ông Khoa Trưởng có gửi thư xin lỗi nói rằng” Khi Tom Hayden xuất hiện ông không ngờ có chuyện này xẩy ra.

**************

Tom Hayden, Jane Fonda
Tom Hayden, Jane Fonda

Câu chuyện xảy ra đúng 30 năm trước. Cô Tiến, cựu nữ sinh Trưng Vương, cựu sinh viên luật khoa Sài Gòn, ngồi nhớ lại chuyện xưa đã viết lại như thế. Thực sự lúc đó cô sinh viên sắp lãnh bằng tốt nghiệp ngồi hàng đầu bên dưới. Khi sân khấu hỗn loạt là do các tay tranh đấu gốc Việt từ hàng ghế hai bên dành cho phụ huynh nhào lên. Tom Hayden bị cộng đồng và sinh viên tẩy chay rất tức giận. Tay này không hề sợ hãi. Khoa trưởng và ban tổ chức của City College đón tiếp Tom ở phía sau. Dự trù để Tom xuất hiện nói đôi lời như không có chuyện gì. Họ thử nắn gân cộng đồng chống Cộng Việt Nam tại San Jose. Hôm đó tôi ngồi ngay hàng ghế đầu bên cạnh. Hình Jane Fonda thì ai cũng biết. Anh em cũng chẳng ai nhớ mặt Tom ra sao. Chợt Peter Trần Kính la to. Thằng Tom kìa.
Giáo sư và sinh viên thắp nến phản đối Tom Hayden
Nói rồi Peter nhảy ngay lên sân khấu chỉ mặt Hayden la lớn Traitor. Đồ phản quốc. Phe ta ùa lên ngay. Sân khấu nhốn nháo. Khoa trưởng và các giáo sư chạy te tua tưởng là phe ta có chuẩn bị chiến tranh. Sự thực cuộc chiến hết sức đột xuất phát ra từ một người hoàn toàn không có chủ trương bạo động. An ninh cảnh sát ùa lên và chỉ lo bảo vệ cho Tom và tay khoa trưởng rút lui. Sinh viên lếch thếch ôm quần áo mũ nón chạy khỏi hội trường. Bằng vốn liếng Anh ngữ xuất sắc của tay làm sở Mỹ 15 năm, lại thêm cái bằng thông dịch cao cấp cho bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Peter Trần Kính chợt có giây phút huy hoàng trước ống kính TV tha hồ chửi phản chiến. Các bạn có thể hỏi xem Trần Kính là ai, bây giờ ông ta ở đâu. Nếu quý vị xem phim Chúng tôi muốn sống hẳn còn nhớ vai phụ xuất sắc nhất đóng vai cán bộ cộng sản xách động. Một mặt hô khẩu hiệu đả đảo địa chủ, mặt khác đốc thúc dân chúng đứng ra đấu tố.

Chính anh chàng đó. Peter tốt nghiệp Thủ Đức 1954 rồi ở lại làm huấn luyện viên. Sau quay ra làm sở Mỹ. Ông về San Jose làm phó giám đốc cho IRCC. Ông mất gần như cùng một năm với Tom Hayden. Cái màn chỉ tay mắng Tom trên sân khấu năm 1987 quả thực là đoạn xuất sắc nhất. Tiếc thay lúc đó chưa có SBTN.