Nga, Trung phủ quyết nghị quyết trừng phạt Syria của LHQ
Các thành viên Hội đồng Bảo an biểu quyết về Syria tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, 28/2/2017. |
(VOA) Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Syria vì các cuộc tấn công vũ khí hóa học mà nước này bị cáo buộc.
Các biện pháp được các cường quốc phương Tây là Anh, Pháp và Hoa Kỳ ủng hộ, sẽ áp đặt trừng phạt lên 21 người Syria, các tổ chức và các công ty bị cáo buộc đã tham gia vào các cuộc tấn công hóa học năm 2014 và năm 2015.
Nghị quyết cũng cấm tất cả các quốc gia cung cấp trực thăng, được sử dụng trong các cuộc tấn công, cho chính quyền Syria.
Các biện pháp trên được soạn thảo sau khi một cuộc điều tra chung của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học xác định rằng chính phủ Syria đã thực hiện ít nhất 3 vụ tấn công có sử dụng khí clo. Các tổ chức phát hiện các nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã đứng đằng sau ít nhất một cuộc tấn công có sử dụng khí mù tạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Syria trong các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu ở Geneva là “hoàn toàn không thích hợp” và cản trở những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài sáu năm.
Sau khi bỏ phiếu, Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley nói với các thành viên Hội đồng rằng nghị quyết “rất phù hợp”, và nói thêm: “Đó là một ngày buồn của Hội đồng Bảo an khi các thành viên bắt đầu bào chữa cho các nước thành viên khác giết hại người dân của họ”.
Bà Haley nói: “Thế giới chắc chắn sẽ là một nơi nguy hiểm hơn”.
Chính phủ Syria đã nhiều lần bác bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người.
Việc bỏ phiếu là một trong những đối đầu đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng và cam kết sẽ tăng cường quan hệ với Moscow.
Chín thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ việc trừng phạt. Bolivia bỏ phiếu chống lại nghị quyết, trong khi Ai Cập, Ethiopia và Kazakhstan bỏ phiếu trắng. Một nghị quyết đòi hỏi phải có chín phiếu thuận và không có phủ quyết từ các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ.