Matt Mahan

ads header

Breaking News

Mỹ thiếu giải pháp tốt để đối phó với việc Philippines đổi trục

Lính Mỹ cuốn cờ sau lễ kết thúc cuộc tập trận chung với Philippines, tại căn cứ quân sự ở Manila, ngày 11/10/2016. TED ALJIBE / AFP
Mỹ thiếu giải pháp tốt để đối phó với việc Philippines đổi trục

(RFI) Điều mà chính quyền Obama cố tránh từ nhiều tháng qua đã trở thành hiện thực vào hôm qua, 20/10/2016. Tại Bắc Kinh, tổng thống Philippines Duterte tuyên bố đoạn tuyệt với Mỹ và sẵn sàng liên minh với Nga và Trung Quốc. Việc mất đi một thành tố quan trọng trong chiến lược xoay trục qua châu Á để làm đối trọng với Trung Quốc là một vố đau cho Mỹ, nhưng vấn đề là Washington như bị bó tay, chưa có được giải pháp tốt để đối phó.

Việc tân tổng thống Philippines có lập trường chống Mỹ đã được chính ông nêu bật, với những tuyên bố mang nặng tính chất khiêu khích từ ngày ông đắc cử. Để đối phó, chính quyền Mỹ và tổng thống Barack Obama, người bị ông Duterte khiêu khích đích danh vẫn cố nhẫn nhịn, tránh không đổ thêm dầu vào lửa, vì không muốn gây tổn hại cho Thỏa Thuận Hợp Tác Quốc Phòng Nâng cao Mỹ Phi, ký kết năm 2014, cho phép Hoa Kỳ luân chuyển chiến hạm và chiến đấu cơ cũng như binh sĩ qua 5 căn cứ quân sự lớn ở Philippines. Đây là một thỏa thuận cực kì quan trọng nếu Mỹ muốn đưa sức mạnh quốc phòng tới ngưỡng cửa Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức Mỹ xin giấu tên xác nhận rằng trong nội bộ chính quyền Mỹ, tranh cãi đã bùng lên trong nhiều tháng qua về việc nên hay không nên chỉ trích ông Duterte trong vấn đề nhân quyền. Một số người cho rằng lời lẽ thận trọng của Mỹ khi chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte quá yếu.

Thế nhưng, thái độ nhẫn nhịn của chính quyền Obama như đã biến thành vô ích với tuyên bố « chia tay » Mỹ của ông Duterte vào hôm qua. Đây mới chỉ là những tuyên bố, nhưng Mỹ có thể làm gì để những tuyên bố đó không trở thành hiện thực.

Một số người đã căn cứ vào thực tế hiện nay là Philippines tùy thuộc rất lớn vào Mỹ về cả phương diện viện trợ quân sự, hợp tác kinh tế lẫn đầu tư, do đó có thể nghĩ đến phương án cắt viện trợ quân sự.

Washington đã cung cấp cho Philippines hàng triệu đô la viện trợ quân sự trong hai năm qua nhằm đối phó với hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ trong đó có thượng nghị sĩ Patrick Leahy thuộc đảng Dân Chủ đã từng gợi lên ý này khi cho biết là Mỹ sẽ cân nhắc các điều kiện viện trợ cho Philippines nếu tổng thống Duterte không lơi tay trong chiến dịch bài trừ ma túy một cách cực kỳ thô bạo và đẫm máu của ông.

Thế nhưng, để chống lại ý tưởng đó, nhiều quan chức trong chính quyền Duterte tại Philippines đã không ngần ngại cho rằng nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, thì Manila hoàn toàn có thể quay sang nhờ Nga và Trung Quốc hỗ trợ.

Hôm qua, bộ trưởng Thương Mại Philippines Ramon Lopez cho biết là nhân chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Duterte, hai bên đã ký kết những hợp đồng trị giá 13,5 tỉ đô la. Con số này đã cao hơn hẳn so với số tiền Mỹ đầu tư trực tiếp vào Philippines hiện nay chỉ khoảng 4,7 tỉ đô la mà thôi.

Trong bối cảnh gần như bị bó tay, không có phương tiện gây sức ép, có suy nghĩ trong chính quyền Mỹ cho là không nên lo ngại quá đáng. Ông Duterte nổi tiếng là một con người thực dụng, và ông hoàn toàn có thể nối lại với Hoa Kỳ nếu nhận thấy rằng quyền lợi của Philippines nằm ở chỗ đó.

Tranh luận vẫn tiếp tục, nhưng rõ ràng là hồ sơ Philippines khó có thể được giải quyết dứt khoát từ nay đến tháng 11 là ngày mà Mỹ bầu tổng thống, và gánh nặng sẽ đè lên vai người kế nhiệm ông Obama.