Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tang lễ cựu DB Trần Văn Sơn tức Bình luận gia Trần Bình Nam

Bình luận gia Trần Bình Nam qua đời lúc 3 giờ sáng Thứ Sáu 11 tháng 3 năm 2016 tại San Diego sau một thời gian dài bị bệnh ung thư, hưởng thọ 83 tuổi.
Tang lễ ông Trần Văn Sơn, tức Bình luận gia Trần Bình Nam, cựu Dân biểu, cựu Trung Tá Hải Quân VNCH,  nguyên Chủ tịch sáng lập Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, đã được cử hành trang trọng và đầy cảm động tại nhà quàn El Camino Memorial Park, thành phố San Diego, Nam California, Hoa Kỳ, trong 2 ngày Thứ Sáu, 18 và Thứ Bẩy, 19 tháng 3 năm 2016.

Sau các buổi phúng viếng chiều Thứ Sáu, và sáng Thứ Bẩy, phần chính của Tang lễ bắt đầu lúc 1 giờ trưa Thứ Bẩy tại hội trường chính của nhà quàn với hơn 300 ghế đã không còn một chỗ trống

Mời quý vị bấm vào hình ở dưới để xem video tường thuật

Sau khi nghi thức cầu siêu do chư tăng Thiền viện Đại Đăng cử hành, phần điếu văn tiễn biệt do MC Hải Sơn điều hợp bắt đầu với cảm nghĩ của các bạn đồng môn của ông Trần Văn Sơn khi theo học trường Quốc học Khải Định đầu thập niên 1950. Ông Phạm Huy Tuấn, BS Vũ Đình Minh, ông Thái Doãn Ngà đã lần lượt trình bày những kỷ niệm với người quá cố, trong đó nổi bật nhất là hình ảnh một học sinh xuất sắc về môn toán và luôn luôn giúp đỡ bạn bè, trong trường học, cũng như sau này tại trưòng đời. Trong dịp này cựu đại tá Lê Khắc Lý cũng đọc bài thơ ông sáng tác tiễn biệt một người bạn, một chiến sĩ tranh đấu cho quê hường trong nhiều trận tuyến, từ giáo dục, quân sự, đến chính trị, tư tưởng.

Tiếp đó ông Phạm Cừ, cựu Sĩ quan Hải quân trình bày sự quý mến đối với bạn đồng môn quá cố Trần Văn Sơn khi các ông được Hải Quân Việt Nam gửi qua thụ huấn và tốt nghiệp kỹ sư cơ khí Hải quân tại học viện Hải quân Brest của Pháp.

Ông Nguyễn Mạnh Trí, một trong số rất đông các cựu sĩ quan Hải quân VNCH thụ huấn với ông Trần Văn Sơn khi ông giảng dạy tại Trường sĩ Quan Hải Quân Nha Trang từ năm 1958 đến năm 1971, đã trình bày sự kính trọng đối với vị giáo sư, từ trong quân trường cho đến những hoạt động tại hải ngoại sau này.

Ông Ngô Đức Diễm, đến từ San Jose, Bắc California, ông Diễm trước năm 75  là giáo sư Triết của Trung học Võ Tánh, nơi ông Trần Văn Sơn dạy các môn Toán và Vật lý, giáo sư Ngô Đức Diễm đã chia sẻ tâm tình và kỷ niệm về người quá cố, không chỉ trong những năm tháng cùng dạy học ở Nha Trang, mà còn cả một thời gian dài hơn 3 thập niên khi cùng sát cánh xây dựng và lãnh đạo Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam tại hải ngoại.

Tiếp đó, GS Nguyễn Thanh Trang, cựu phụ tá Viện trưởng Viện Đại học Huế, cũng trình bày những nhận xét về ông Trần Văn Sơn lúc ông còn là Giáo sư Thỉnh giảng của phân khoa Xây Dựng thuộc Đại học Khoa học Huế, và sau đó là những hoạt động chung trong công cuộc vận động cho dân chủ Việt Nam tại hải ngoại.

Nhà Báo Huỳnh Lương Thiện, đến từ San Francisco, đã kể lại những hoạt động lên án CSVN ngay khi ông Trần Văn Sơn vừa đặt chân đến Nhật tỵ nạn năm 1977, lúc ông Thiện còn là một sinh viên du học phụ giúp người tỵ nạn tại đây, và sau đó đã cùng ông Sơn tham gia nhiều công tác đấu tranh chung, qua đó ông Sơn đã biểu tỏ lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, và tầm nhìn xa.

Phát biểu sau cùng là cựu Dân biểu Trần Văn Thung, với tư cách là một môn sinh của ông Sơn thời trung học, một Dân biểu đồng viện, người cùng vượt biên trên một chiếc ghe, và cùng góp phần xây dựng Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam. Cùng 2 con là những người đã chung sống trong một mái nhà với người quá cố, Ông Thung đã ngậm ngùi chia sẻ những tình cảm trân quý, sự ngưỡng phục một vị thày, một người anh, một chiến hữu kiên trì, tinh tế, đầy viễn kiến.

Trong phần cảm tạ của tang quyến, anh Trần Tâm Cương đã đại diện gia đình trình bày tâm tình tưởng nhớ Người Cha kính yêu quá cố với những kỷ niệm sinh động, những hình ảnh thân thương. Anh cũng ngỏ lời cảm tạ các bạn đồng môn, đồng viện, chiến hữu, môn sinh của thân phụ anh, đặc biệt là hơn 40 thành viên Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, đã từ nhiều nơi thật xa, như Boston, Texas, Colorado, vv..  đến đây để cùng gia đình anh tưởng nhớ và tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ nghìn thu.

Tiếp đó là lễ di quan ra mộ phần, cách nhà quàn khoảng 500 mét, trên đầu con dốc, dưới một tàng thông rợp bóng, trong một phong cảnh bình yên và thanh thản. Trước khi hạ huyệt, cựu Dân biểu Nguyễn Hữu Thời, từ xa đến trễ, đã ngỏ lời vĩnh biệt người bạn đồng viện quá cố, một người bạn mà theo ông, đầy khí phách, can đảm và thông minh lỗi lạc, được các bạn đồng viện khắp nơi nể phục.

Lễ niệm kinh trước khi hạ huyệt
Tang lễ chính thức kết thúc lúc 5 giờ chiều, trong ánh nắng chiều và làn gió nhẹ cùng tiếng thông reo, tất cả như để tiễn đưa linh hồn người quá cố về cõi Vĩnh Hằng, trong sự quý trọng và luyến nhớ của bao người ở lại.

Đoàn Khôi (tường trình từ San Diego, California, Hoa Kỳ).  Video: nhà báo Huỳnh Lương Thiện. Trình bày Mỹ Lợi Việt Vùng Vịnh.