Matt Mahan

ads header

Breaking News

Vua XI lợi hại hơn các cua Tàu cộng khác


VUA XI LỢI HẠI HƠN CÁC VUA TÀU CỘNG KHÁC
Nguyễn Thành Trí

Theo định nghĩa của từ “lợi hại” có hai nghĩa, khi là danh từ “lợi hại” có ý nghĩa “mặt lợi và mặt hại của một việc khi so sánh với nhau”; khi là tính từ “lợi hại” có ý nghĩa “quan trọng vì có khả năng, tác dụng lớn gây thiệt hại nhiều cho đối phương” Từ “lợi hại” trong câu “Vua Xi Lợi Hại Hơn Các Vua Tàu Cộng Khác” là tiếng tính từ.  Người ta xem xét so sánh nhiều khiá cạnh của các vua Tàu Cộng trong lịch sử Hoa Lục hiện đại, một cách khách quan nhận thấy rằng Vua Xi Jinping hiện nay vì có mang hai dòng máu Mao-ít và Lê-nin-ít nên còn lợi hại nhiều hơn cả Vua Mao Zedong của thời kỳ mới thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, một nước cựu phong kiến quân chủ ngàn năm đến thế kỷ 20 được Vua Mao giải phóng khỏi ách phong kiến, rồi đặt cho một cái tên đẹp cộng-hoà nhân-dân giả mạo để nguỵ trang, trá hình một triều đình chuyên chính vô sản phong-kiến-mới của Vua Mao ở Bắc Kinh, Hoa Lục.

Quả thật Vua Xi lợi hại nhiều hơn cả Vua Mao, vì Vua Xi đang sở hữu nhiều thứ quan trọng mà 60 năm trước Vua Mao đã không thể nào có được. Thí dụ cụ thể như Vua Mao đã không có những thành phố ma được xây dựng xong nhưng vẫn không có người ở. Đây cũng là một trong những loại tài sản cố định đã làm cho GDP tổng sản lượng quốc gia Hoa Lục tăng lên và làm cho nền kinh tài Hoa Lục đã phát triển không cân đối. Vua Mao đã không có một Hoa Lục phồn vinh giả tạo với mọi thứ đều bắt chước làm theo để tạo ra rất nhiều hàng nhái, hàng giả mạo, rẻ tiền nhưng kém phẩm chất. Cũng có một điều rất rõ ràng là Vua Mao kém lợi hại hơn bởi vì vào thời kỳ mới vừa lập quốc Tàu Cộng, hơn 60 năm về trước nền kinh-tài Hoa Lục của Vua Mao đã không có cái gì đáng kể. Hoa Lục đã là một nước đứng đầu Thế Giới Thứ Ba nghèo khổ lạc hậu, nên Vua Mao đã có những chính sách cứng rắn nhằm đẩy mạnh sự phát triển theo mô hình kinh tế Sô Viết, trung ương tập quyền, tập thể hoá hợp tác xã nông nghiệp, mậu dịch thương nghiệp quốc doanh.

Ngay từ những ngày đầu của triều đại Tàu Cộng đích thân Vua Mao đã phát động phong trào Bước Tiến Đại Nhảy Vọt cho toàn thể người dân Hoa Lục tham gia phong trào này bằng mọi cách đóng góp tài sản của mình để làm cho tổng sản lượng quốc gia GDP của Hoa Lục vào thời điểm mười năm 1950-1960 tăng lên. Sự thật của lịch sử Hoa Lục trong thời gian có phong trào Bước Tiến Đại Nhảy Vọt là toàn thể người dân Hoa Lục đã bị thúc đẩy, gò ép bởi cái chiêu bài “yêu nước Hoa Lục là yêu chủ nghĩa xã hội” là phải đóng góp tài sản của mình cho nhà nước; họ đã tránh không nói là bị tịch thu tài sản, họ thậm chí còn phải đem nộp cho nhà nước tất cả vật dụng nấu ăn nồi niêu soong chảo, tay nắm cửa, và những vật dụng bằng kim loại vàng, bạc, sắt, đồng, thau, nhôm, v.v…để nhà nước Tàu Cộng nấu chảy ra thành…GDP tổng sản lượng quốc gia Hoa Lục! Quả thật các loại chính sách phát triển kinh-tài kiểu này của Vua Mao đã thực sự làm cho hàng triệu người dân Hoa Lục phải chịu…chết đói!

Đúng là Vua Mao kém lợi hại hơn Vua Xi khi nền kinh-tài của Vua Mao đã đứng đầu Thế Giới Thứ Ba chậm tiến đói khổ, trong khi nền kinh-tài của Vua Xi đang đứng hạng thứ nhì trên thế giới chỉ đứng sau nước Mỹ. Người ta rất dễ nhận thấy là Vua Mao đã không có đầu tư nào vào các loại tài sản cố định của Hoa Lục, trong khi Vua Xi đang có những đầu tư tài sản cố định của Hoa Lục được tính tới cuối năm 2014 đã chiếm 46% GDP của tổng sản lượng quốc gia.  Quả thật, đầu tư tài sản cố định của Hoa Lục với tỉ lệ 46% GDP này là quá lớn, không bình thường, không cân đối với sự phát triển kinh tế Hoa Lục, và nhất là sự đầu tư tài sản cố định của Hoa Lục đã chắc chắn bị Nhà Nước Tàu Cộng hiện tại thao túng.  Khi người ta xem xét cẩn thận và so sánh nền kinh-tài Hoa Lục ở hai thời kỳ có  chương trình phát triển Bước Tiến Đại Nhảy Vọt của Vua Mao và chương trình phát triển Giấc Mơ Hoa Lục của Vua Xi, một cách khách quan nhận thấy rõ ràng là Vua Xi lợi hại hơn nhiều bởi vì nền kinh-tài thiếu tính minh bạch của Vua Xi đã bị lập lờ mờ ám để làm sai sự thật.

Trong lịch sử phát triển kinh tế của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Gia Nã Đại, v.v… không có một nước nào đã từng xây dựng quá nhiều cầu đường mới, thành phố mới, phi trường mới, bến cảng mới, trong một thời gian ngắn kỷ lục với một mức độ thi công quá nhanh như vậy.  Hầu như ở trên khắp Hoa Lục có nhiều công trình xây dựng hạ tầng cơ sở cũng chỉ nhằm mục đích làm tăng GDP của Hoa Lục.  Hiện giờ những công trình này lại có ảnh hưởng hậu quả trái ngược là chúng đang kéo mức tăng trưởng kinh tế Hoa Lục đi xuống,  Cho dù là để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, nhưng họ đã xây dựng quá nhiều và quá nhanh nên kém phẩm chất. Đây là một cách giải thích tại sao nền kinh-tài Hoa Lục đã nổi lên quá nhanh, rồi hiện nay nó đang chìm xuống cũng nhanh nữa.  Trong lúc nền kinh-tài Hoa Lục nổi lên nhanh thì những loại đầu tư tài sản cố định như vừa kể đã làm tăng lên nhanh GDP của Hoa Lục; tuy nhiên, nếu chúng không được đưa vào sử dụng có hiệu quả tốt thì chúng sẽ trở thành các loại tổn phí hoặc là một gánh nặng nợ công của Nhà Nước Tàu Cộng.
 
Nền kinh-tài Hoa Lục sẽ không thể phục hồi lại khi Nhà Nước Tàu Cộng không ngăn chặn sự sản xuất quá mức và chấm dứt việc cho các điạ phương ở Hoa Lục vay tiền quá nhiều trong khi họ đã không có khả năng trả lại nợ.  Một trong những nguy cơ lớn nhất của Hoa Lục là đang công thức hoá những chính sách kinh tài dựa theo cái nghị trình chính trị của Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng. Một trong những nguy cơ lớn nhất đó là việc theo đuổi thực hiện bằng mọi giá để đạt một mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được ấn định trước. Bánh xe tăng trưởng kinh tế Hoa Lục đang chạy nhanh, nó đột ngột bị hòn đá tảng chặn lại giữa đường, cũng giống như việc tái đầu tư trở lại các xí nghiệp và máy móc thiết bị sản xuất đã bị những núi nợ của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương cản trở gây khó khăn.  Trong năm 2015 Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng đã có mục tiêu phải có GDP đạt được 8% phần trăm GDP; tuy nhiên, trong Quí III có lẽ GDP của Hoa Lục chỉ đạt tới 6.3% phần trăm, mà nó là con số thấp nhất kể từ năm 2009. Có lẽ còn thấp hơn nữa, nhưng số liệu thống kê không được cập nhật chính xác, rõ ràng.                          
Từ đầu năm 2015 tới nay vì những dữ kiện thống kê số liệu kinh tế-tài chánh của Hoa Lục cho thấy thực chất quá xấu của một nền kinh tế đang bị sụp đổ, và việc không khôn khéo thực hiện để cứu nguy thị trường chứng khoán của nhà nước bảo trợ, nên Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng đã bị chỉ trích nặng nề và riêng cá nhân Vua Xi cũng bị xét lại cái khả năng lãnh đạo quốc gia.  Người ta phải hoài nghi cái khả năng lãnh đạo triều đình gồm có đảng và nhà nước của Vua Xi. Cái yêu cầu của sự thật và tính minh bạch muốn biết trong lãnh vực kinh tế-tài chánh của Hoa Lục đã đang thật sự xảy ra chuyện gì?

Vua Xi rõ ràng là không giống các vua tiền nhiệm, vì ông ta lợi hại nhiều hơn. Khi nền kinh-tài Hoa Lục đã có những dấu hiệu cạn khô máu, Vua Xi vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra. Ông ta đã không vội vàng tiếp máu cho con bệnh kinh-tài Hoa Lục như các vua tiền nhiệm đã từng làm trước đây. Có lẽ Vua Xi lo sợ phải bị sa-bẫy-kích-cầu nền kinh-tài dẫn tới những hậu quả kinh tế-tài chánh rất xấu cho Hoa Lục trong một thời gian dài sau này.

Quả thật Vua Xi đã cố sức tránh trước mắt không bị sa-bẫy-kích-cầu nền kinh-tài Hoa Lục. Như vậy, Vua Xi đúng là “không phải một Tên Phản Động” được hiểu theo một ý nghĩa đúng đắn chính xác của tiếng danh từ “Tên Phản Động –Reactionist” là “một người chống đối cải cách”. Có một sự kiện rõ rệt có thể chứng minh được Vua Xi không phải một người chống đối cải cách là ông ta đã không tiếp máu cho con bệnh kinh-tài Hoa Lục, vì ông ta cứ để cho nó phải được cải cách theo các thị trường tự do. Và đây là cái bản lĩnh lợi hại của Vua Xi hơn các Vua Tàu Cộng tiền nhiệm.

Đối với Vua Xi thì vấn đề chính trị là ưu tiên, rồi mới tới chuyện kinh tế. Đây cũng là một khác biệt với các vua khác trong thời gian 35 năm qua; các vua Tàu Cộng đã xem chuyện phát triển nền kinh-tài Hoa Lục là ưu tiên hơn các vấn đề khác. Họ phải làm mọi cách thế nào để duy trì mức tăng trưởng cao và nhanh của Hoa Lục. Vào thời kỳ sau khi Vua Mao chết, ở Hoa Lục đã có những thách thức xã hội và chính trị cần các vua kế vị quan tâm giải quyết, nhưng họ đã không chú ý các vấn đề xã hội và chính trị nhiều bằng sự chú ý mức tăng trưởng kinh-tài Hoa Lục.

Bởi vì Đảng, Quốc Hội và Nhà Nước Tàu Cộng đã không do Nhân Dân Hoa Lục trực tiếp bầu cử, nên các vua tiền nhiệm trước Vua Xi đã có một chiến lược rất rõ đễ duy trì trật tự xã hội và sự ổn định chính trị là làm cho người dân hài lòng với mức tăng trưởng GDP cao, tăng tiêu chuẩn mức sinh hoạt, và xoá nghèo cho hàng triệu gia đình, nhưng trên thực tế đây không phải gia đình dân thường, mà đúng là những gia đình cán bộ, đảng viên Tàu Cộng đã được xoá nghèo!

Trong nhiệm kỳ 5 năm của Vua Xi (2012-2017) làm vua ở Hoa Lục, cái yêu cầu làm cân đối lại nền kinh-tài Hoa Lục không phải là một mục tiêu ưu tiên cần thực hiện; ngược lại, cái vấn đề cứu nguy Đảng Tàu Cộng rồi củng cố quyền lực của đảng mới cần thiết được giải quyết khẩn cấp. Vì vậy, Vua Xi đã sớm bộc lộ tính cách lợi hại trong sự lãnh đạo của mình được xác định rõ rệt là phải có (1) một Đảng Tàu Cộng trong sạch hơn, (2) một Đảng Tàu Cộng có kỷ luật hơn, và (3) một Đảng Tàu Cộng vững mạnh hơn. Người ta đã nhận thấy việc cứu nguy Đảng Tàu Cộng rõ ràng là không phải cuộc cải cách chính trị ở Hoa Lục.

Đối với các vua tiền nhiệm trước Vua Xi thì họ đã có khuynh hướng chú trọng duy trì một mức tăng trưởng kinh-tài Hoa Lục cao và nhanh, và cùng lúc để duy trì những thành quả chính trị tốt, cũng như có thể giữ uy tín của Đảng Tàu Cộng với người dân Hoa Lục.  Ngược lại, nổ lực củng cố đảng bằng cách “đả hổ đập ruồi” thanh trừng nội bộ với chiêu bài làm trong sạch hàng ngũ đảng viên cán bộ nhà nước cũng có ảnh hưởng mạnh lên các thành quả kinh-tài đã đạt được của các vua tiền nhiệm.

Hơn nữa, khi Vua Xi nhấn mạnh việc cứu nguy cho Đảng Tàu Cộng thì một cách trực tiếp cho thấy nền kinh-tài Hoa Lục đang đi vào một giai đoạn bất trắc, một giai đoạn quá độ chuyển sang “tình trạng bình thường mới của Hoa Lục/China’s New Normal” có nhiều biến động trong việc hoạch định chính sách kinh-tài Hoa Lục. Cũng có một phương cách thực hiện trong cái giải-pháp-đánh-lạc-hướng của Vua Xi, nó khác xa với sự “quản-lý-tồi” như một số người quan sát tình hình chính trị và kinh-tài Hoa Lục đã có nhận định là Vua Xi với triều đình Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng chỉ là một “bọn-quản-lý-tồi/mismanagement”. Trên thực tế trong cái tiến trình chính sách kinh-tài của Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng có tình trạng hổn loạn cũng là một hậu quả hệ luỵ tất nhiên có chủ ý của Vua Xi muốn củng cố, muốn cứu nguy Đảng Tàu Cộng trước hơn những thứ khác.

Cái hệ quả này trong năm 2015 người ta đã nhìn thấy Con Rồng Kinh-Tài Hoa Lục phải nhào lộn lăn lóc đau nhức với Chín Cái Đuôi của nó mà nó phải ngậm cứng trong miệng của chính nó. Đã xảy ra tình trạng hổn loạn trong tiến trình chính sách kinh-tài Hoa Lục khi Ngân Hàng Trung Ương Nhà Nước Tàu Cộng đột ngột phá giá tiền Yuan liên tiếp trong ba ngày; thị trường chứng khoán của nhà nước bảo trợ đã bị rơi xuống hố mà chưa có một cần cẩu nào dùng để cẩu nó lên; cái nền kinh tế lớn thứ nhì với 17 ngàn tỉ đôla đã có thể thuyết phục các nhà đầu tư tài chánh quốc tế về cái khả năng tạo ra mỗi năm GDP 8% phần trăm trở lên, thế mà hiện nay trở thành ảo tưởng của một trò ảo thuật, GDP tính tới tháng 8/2015 là vào khoảng 6.3% phần trăm, cho nên tất cả nguồn vốn tư bản đầu tư đã đang chảy hết ra khỏi Hoa Lục.

Có lẽ Vua Xi đã thay đổi thứ tự ưu tiên của các vấn đề chính trị và kinh-tài Hoa Lục, và đã khiến các doanh nhân và nhà đầu tư có phần khó hiểu; hơn nữa, Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng vẫn còn cố ý cố giữ sự lập lờ mờ ám trong các báo cáo dữ kiện số liệu thống kê và cập nhật thông tin kinh-tài chính xác kịp thời sớm nhất. Khi bị nhận xét phê phán rằng Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng đã không còn có khả năng chỉ huy nền kinh-tài Hoa Lục một cách tinh nhanh, khôn khéo nữa, thì những người có thẩm quyền đã tỏ vẻ bực tức, nhưng họ cũng đã không giải thích tại sao ở Hoa Lục lại có hai hiện tượng trái ngược nhau là các thị trường của Hoa Lục bị hổn loạn hoảng sợ, trong khi đó Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng vẫn cứ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

Trên thực tế ở các thị trường Hoa Lục đã có cái tâm lý hoảng sợ lo lắng, bởi vì các doanh nhân và nhà đầu tư đã từng quen với cách giải quyết của các Vua Tàu Cộng trước đây bằng kích thích tăng trưởng và nâng đỡ đầu tư tài chánh bằng việc bơm thêm nhiều tiền vào cái nền kinh-tài Hoa Lục đang khô cạn.  Với hiện trạng của nền kinh-tài Hoa Lục đang sa sút thê thảm như thế mà Đảng và Nhà Nước Tàu Cộng cũng như Vua Xi vẫn giữ thái độ bình thản, không xao xuyến. Họ còn khăng khăng nói rằng thị trường lao động hoạt động tốt và việc cải cách kinh tế thị trường Hoa Lục đang được tiến hành. Thế thì họ đã bóp méo sự thật không, vì tình hình của công nghiệp sản xuất và thị trường lao động ở Hoa Lục rất xấu. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu thống kê chính thức của nhà nước thì kể từ Quí I năm 2012 đến Quí I năm 2015 là 4.1% phần trăm dân số Hoa Lục thất nghiệp. Không ai tin vào số liệu thống kê này, vì nó không thể hiện trung thực, chính xác tình hình của công nghiệp sản xuất và thị trường lao động ở Hoa Lục.

Kể từ ngày kế vị tiếp quản triều đình Bắc Kinh, Vua Xi và những cận thần thân tín của vua đã lo sợ rằng cái tệ nạn tham nhũng của đảng viên có thể làm chết Đảng Tàu Cộng của họ, và làm mất nước Hoa Lục, còn được gọi là Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa do Vua Mao dựng lên từ năm 1949. Tuy nhiên, từ năm 1949 tới 1980 nước Hoa Lục vẫn còn nghèo đói, thiếu thốn; vì vậy một đảng viên nào đã tham ô nhũng lạm tiền bạc, tài sản của nhà nước hay của nhân dân, thì cũng được xem như là một “kẻ ăn cắp vặt” không đáng kể, nhưng đáng được kiểm điểm, phê bình, rồi tha thứ, chấm hết.

Sau năm 1980 là mấy chục năm phát triển tình trạng tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên, tham nhũng dần dần trở nên trầm trọng hơn, vì nhờ vào những cải cách kinh-tài ở Hoa Lục đã thực sự tạo ra nhiều cơ hội cho cán bộ, đảng viên Tàu Cộng móc ngoặc hối mại quyền thế, tham nhũng hạng nặng. Quả thật đó là một thời kỳ vàng son của Chủ Nghĩa Tư Bản Thân Tộc Tàu Cộng. Một thứ Chủ Nghĩa Tư Bản có mang nặng tính chất Thân Tộc Đảng Viên Tàu Cộng, mà lúc đầu vị Vua Tàu Cộng đã mang nó vào Hoa Lục cũng chỉ có ý định củng cố sức mạnh và bành trướng Đảng Tàu Cộng bằng cách làm cho đảng trở thành một nơi ẩn núp an toàn cho Chủ-Nghĩa-Tư-Bản-Thân-Tộc-Tàu-Cộng.  Đảng Tàu Cộng đúng là một chỗ an toàn bao trùm tất cả các thành phần doanh nhân, công cũng như tư và lớn nhỏ như nhau, trong một mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có tính chất Hoa Lục, có nghĩa chính xác là được áp dụng Chủ Nghĩa Tư Bản Thân Tộc Tàu Cộng thực dụng.

Tuy nhiên, có một tính chất lập lờ mờ ám trong cái Chủ Nghĩa Tư Bản Thân Tộc Tàu Cộng thực dụng đã phát sinh giữa đảng viên và doanh nghiệp, bởi vì tất cả đảng viên ở mọi cấp từ thấp lên cao đều muốn lợi dụng cơ hội hái ra tiền dễ dàng ở nền kinh-tài Hoa Lục vừa được mở cửa để rước tiền vào. Tệ nạn cán bộ đảng viên Tàu Cộng tham nhũng đã trở nên trầm trọng khi nó được mở rộng ra tới gia đình vợ con, và bà con của họ; có nghĩa rõ rệt là cái tầm hoạt động của tham nhũng, hối mại quyền thế đã ở trong tay của những “Thái Tử Đảng” và cả một mạng lưới tham nhũng có đầy quyền lực của kẻ cầm quyền trong đảng và trong nhà nước.

Trên thực tế ở Hoa Lục cái Chủ Nghĩa Tư Bản Thân Tộc Tàu Cộng đã thực sự trở thành một căn bệnh dịch dễ dàng lây nhiễm trong hàng ngũ cán bộ nhà nước và đảng viên Tàu Cộng. Nó hoành hành thao túng khu vực doanh nghiệp nhà nước quản lý.  Các tập đoàn kinh-tài quốc doanh này đã đang kềm giữ những tài sản trị giá hơn 17 ngàn tỉ đôla, nhưng chỉ tạo ra lợi tức chưa được 3% phần trăm. Có phải tiền, kể cả vốn lẫn lời, một số tiền lớn đã bị những “kẻ ăn cắp vặt” đem cất giấu ở đâu.  Trong lãnh vực kinh-tài Hoa Lục như thế là có yêu cầu khẩn cấp phải cải cách những tập đoàn kinh-tài quốc doanh này, bởi vì chúng nó là những nơi ẩn núp an toàn của tham nhũng, của những “kẻ ăn cắp vặt”, nhưng họ có thể gặm nhấm tiêu dần hết tài sản nhân dân Hoa Lục.

Rất dễ hiểu là người dân Hoa Lục đã đang chán ngấy cái Đảng Tàu Cộng. Hiện nay người dân Hoa Lục không tin bất cứ cái gì của đảng và triều đình Bắc Kinh. Vua Xi cũng đã nhận ra là cái uy tín của đảng trong thời kỳ Vua Mao, nếu đã có một phần trăm nào, thì bây giờ hoàn toàn là zero phần trăm.  Như thế thì Vua Xi có chịu trách nhiệm phải “chiếm trái tim của người dân Hoa Lục dâng lên cho Đảng Tàu Cộng” để lập chiến công, chiến tích trong lịch sử đảng.

Cũng có một điều đáng lưu ý là Vua Xi trước sau gì cũng khẳng định là ở Hoa Lục chỉ có Đảng Tàu Cộng là một lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhân dân và quản lý xã hội Hoa Lục, và chỉ có Đảng Tàu Cộng là có đủ khả năng cao cả đó mà thôi.  Căn cứ vào cái thái độ cá nhân của Vua Xi, và chủ trương độc đảng, độc tài, đảng trị như thế thì rõ ràng Vua Xi không phải là một người cải cách, một người cách mạng. Và Vua Xi không nhớ rằng Đài Loan là một lãnh thổ đã đang có sinh hoạt dân chủ, chính trị đa đảng. Trên thực tế giữa Đài Loan và Hoa Lục cũng không có một lệnh ngưng bắn, và cũng không có một hiệp định hoà bình nào được ký kết. Nếu cải cách chính trị mà không trả lại tiếng nói trung thực chân chính cho nhân dân Hoa Lục có người đại diện của họ trong Quốc Hội, thì đó không phải là cải cách chính trị Hoa Lục.

Để kết luận, hãy nói cách khác giản dị dễ hiểu hơn là Vua Xi muốn cứu nguy Đảng Tàu Cộng, muốn làm tăng thêm kỷ luật của đảng, đồng thời tiến hành cải cách một số trọng-điểm kinh-tài Hoa Lục.  Vua Xi và những cận thần thân tín của vua tin rằng nếu không có những điều kiện chính trị tiên quyết dứt khoát để làm giảm bớt cái tính chất “Chủ-Nghĩa-Tư-Bản-Thân-Tộc-T àu-Cộng-Thực-Dụng”đã từng thấm sâu vào cơ thể của Đảng Tàu Cộng thì việc cải cách kinh-tài Hoa Lục cũng sẽ không có hiệu quả tốt trong thế kỷ 21. Vua Xi và những cận thần thân tín của vua đã chọn lựa để cho Con Rồng Kinh-Tài Hoa Lục phải chịu đựng cơn đau nhức oằn oại do chín Cái Đuôi đang vẩy quậy trong cái miệng của nó cho tới khi nào Con Rồng Kinh-Tài Hoa Lục được giải phóng là lúc nó có thể nhả được chín Cái Đuôi của nó ra khỏi miệng của nó. Đồng thời Vua Xi cũng khẳng định được di sản sự nghiệp chính trị, cai quản nước Hoa Lục của mình rất lợi hại nhiều hơn các Vua Tàu Cộng tiền nhiệm, bởi vì Vua Xi đúng là một nhà vua có mang hai dòng máu Mao-ít và Lê-nin-ít./.

Nguyễn Thành Trí
Sài Gòn, Chủ Nhật 18/10/2015