Gia đình Nam-Bắc Triều Tiên ly tán chia tay trong nước mắt
Nước mắt của những người thân hai miền Triều Tiên bị chia cắt khi gặp nhau hôm 20/10/2015. REUTERS/KOREA POOL/Yonhap |
Hãng tin AFP cho biết hai tiếng đồng hồ gặp mặt trong ngày cuối cùng quá ngắn đối với các gia đình. Họ chỉ biết cùng nhau ngồi bên những chiếc bàn được đánh số, ôm chặt nhau và cùng khóc. Đây có thể là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của họ, vì phần lớn những người may mắn được chọn trong cuộc hội ngộ lần này đều đã ngoài 80 hay 90 tuổi.
Cuộc hội ngộ thứ hai từ 5 năm nay được quyết định hồi cuối tháng 08/2015 nhằm chấm dứt tình trạng leo thang căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên và được kiểm soát nghiêm ngặt. Các gia đình chỉ được gặp nhau sáu lần, mỗi lần kéo dài hai tiếng. 12 giờ gặp mặt quá ngắn ngủi so với sáu thập niên chia cắt. Thông tin về cuộc gặp gỡ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc được phép đi theo đưa tin.
Gần 400 người Hàn Quốc và 140 người Bắc Triều Tiên được may mắn lựa chọn. Hàng chục nghìn người vẫn nằm trên danh sách chờ và sống trong đau khổ vì mất liên lạc với người thân ở bên kia biên giới.
Thế hệ này ngày càng già yếu và nhiều người biết sẽ không bao giờ được gặp lại người thân. Vì vậy, nhiều người tự quay video ghi lại lời nhắn và cung cấp mẫu AND với hi vọng sẽ chuyển được tới tay người thân sau khi họ chết.
Chương trình đoàn tụ gia đình Nam-Bắc Triều Tiên thật sự bắt đầu sau một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai miền vào năm 2000. Trong vòng 15 năm, độ tuổi những người được lựa chọn cao hơn hẳn. Trong cuộc gặp lần này, chỉ có năm gia đình được gặp lại vợ chồng hay cha mẹ và con cái, trong khi đó năm 2010 còn có 23 gia đình.
« Giữ gìn sức khỏe. Chúc anh sống lâu », bà Lee Soon Kyu, 85 tuổi, nói với người chồng Bắc Triều Tiên mà bà gặp lại lần đầu tiên từ khi họ bị chia cách vì chiến tranh ; lúc đó bà mới 19 tuổi. Ông trả lời bà : « Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở thế giới bên kia ».
Ông Ri Hong Jong, 88 tuổi, nói với AFP lúc chia tay người con gái sống tại Hàn Quốc : « Mắt tôi sưng vù. Tôi khóc suốt đêm. Ngay sáng nay, nước mắt vẫn không ngừng rơi ».
Ông Han Sun Kye, 70 tuổi, tới gặp người cô Bắc Triều Tiên, xúc động nói : « Giá như có thể nói chuyện được với nhau và ngủ chung một phòng, thay vì chỉ có vài tiếng gặp mặt. Tôi muốn được ăn cơm riêng với gia đình mình, thay vì ăn trong phòng lớn với mọi người ».