Các chiến binh được Mỹ huấn luyện tiến vào Syria
Các chiến binh từ 'Trung đoàn thứ nhất' thuộc lực lượng Quân đội Giải phóng Syria tham gia một cuộc huấn luyện quân sự ở vùng nông thôn miền tây Aleppo. |
Ðài quan sát Nhân quyền Syria hôm Chủ nhật nói rằng 75 chiến binh được huấn luyện tại Thổ Nhĩ Kỳ đã băng qua biên giới vào Syria sáng sớm thứ Bảy.
Các giới chức của liên quân do Mỹ lãnh đạo chưa bình luận về diễn biến mới này.
Trong khi đó, Pháp tấn xã loan tin rằng phe nổi dậy và các lực lượng chính phủ vừa thỏa thuận ngưng bắn với hiệu lực tức thời.
Không có tin tức về thời hạn của thỏa thuận ngưng bắn, nhưng Ðài quan sát Nhân quyền Syria nói với Pháp tấn xã rằng các bên xung đột sẽ tiếp tục đàm phán cho một thỏa thuận ngừng bắn rộng lớn hơn.
Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức, nhưng thời điểm để ông ra đi sẽ được quyết định qua thương lượng.
Ông Kerry phát biểu như vậy tại London sau khi hội đàm với người tương nhiệm Anh Philip Hammond. Ông kêu gọi cả Nga và Iran dùng ảnh hưởng của họ đối với Syria để thuyết phục ông Assad thương lượng việc từ chức nhằm chấm dứt cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria.
Ông Kerry cũng nhấn mạnh đến sự liên hệ của cuộc nội chiến Syria với làn sóng khổng lồ người tị nạn đổ vào Châu Âu. Ông gọi 4 năm nội chiến Syria là "căn nguyên" của cuộc khủng hoảng di dân, và gọi làn sóng di dân khổng lồ là "thách thức chính cho Châu Âu."
"Chúng tôi cần phải thương lượng với ông Assad," Ngoại trưởng Kerry nói. "Đó là điều chúng tôi đang tìm cách thực hiện, và chúng tôi hy vọng Nga và Iran hay bất cứ quốc gia nào khác có ảnh hưởng giúp cho tiến trình đó.
"Chúng tôi sẽ bàn về một số ý tưởng…làm thế nào để sử dụng thời điểm này khi Nga hình như muốn hành động nhiều hơn" để chống lại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách chiếm quyền kiểm soát Syria."
Ông Kerry nói: "Đó là mục tiêu."
Moscow và phương Tây bất đồng sâu sắc về các chiến lược nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã nổ ra vào năm 2011. Các chính phủ Tây phương quả quyết rằng cuộc khủng hoảng sẽ không chấm dứt cho đến khi nào ông Assad tự thôi chức hay bị truất bỏ quyền hành, trong khi Moscow nói rằng mối đe dọa do các phần tử hiếu chiến đề ra cần phải dập tắt trước khi giải quyết tương lai của ông Assad.
Ước tính 250.000 người Syria đã thiệt mạng trong khi tiến trình ngoại giao bế tắt. Hàng trăm ngàn người bị Nhà nước Hồi giáo đe dọa và các binh sĩ chính phủ tháo chạy, tìm đến những nơi an toàn và sung túc hơn ở Châu Âu.