Đại hội 12: Ông Lê Thanh Hải sẽ ‘ra’ hay ‘về’?
Ông Lê Thanh Hải - đương kim Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh - nhân vật còn được giới quan chức cấp quận huyện sở ngành tại thành phố này gọi bằng biệt danh ‘Anh Hai’. |
Phạm Chí Dũng
Chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là đại hội lần thứ 12 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra tại Hà Nội. Bất chấp hiện tượng Bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh vừa đột ngột xin nghỉ ‘vì lý do sức khỏe’ chỉ sau 5 tháng chấp nhiệm, Thủ đô vẫn là tâm điểm được nhắm đến của rất nhiều quan chức địa phương đầy tham vọng. Một trong những ‘ứng cử viên’ luôn được xem là sáng giá qua các thời kỳ đại hội là ông Lê Thanh Hải - đương kim Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh - nhân vật còn được giới quan chức cấp quận huyện sở ngành tại thành phố này gọi bằng biệt danh kiêng sợ ‘Anh Hai’.
‘Anh Hai’
Không thể phủ nhận là trong suốt một thời gian dài đến 15 năm, tính từ năm 2001 khi ‘Anh Hai’ chấp nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM cho tới khi trở thành bí thư thành ủy nơi đây, ông được dư luận đánh giá là một trong những thủ lĩnh địa phương tạo dựng được được độ tập quyền cá nhân cao nhất.
Cũng bởi hình ảnh cá nhân được tôn tạo cao độ như thế, Bí thư Lê Thanh Hải luôn xuất hiện trong các phương án sắp xếp nhân sự cho trung ương, ít nhất từ các nguồn tin hành lang. Những năm trước, đã có tin ông sẽ ‘ra’ Hà Nội làm phó thủ tướng hoặc trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Nhưng theo logic tâm lý của đại đa số giới quan chức cao cấp, một chức vụ khiêm tốn bên chính phủ dù sao vẫn mang tính thực quyền hơn hẳn nhiều danh phận ‘có tiếng không có miếng’ bên khối đảng.
Từ năm giữa 2013 khi Bộ Chính trị họp Hội nghị Trung ương và dự kiến đưa hai ông Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh vào cơ quan tối cao này, đã bắt đầu xuất hiện thông tin ngoài lề cho biết ông Lê Thanh Hải có thể sẽ đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Nước, thậm chí còn có thể thay thế ông Trương Tấn Sang hiện tại trong cuộc bầu bán tại đại hội 12.
Điều đáng ghi nhận là tình hình hai năm 2013 và 2014 là hoàn toàn êm ả đối với ông Lê Thanh Hải, cho dù thân phận các ông Vương Đình Huệ và đặc biệt Nguyễn Bá Thanh bị xem là long đong. Thậm chí đến giữa năm 2014, ông Thanh còn mắc phải một căn bệnh bí ẩn đến mức phải đưa sang Mỹ điều trị để sau đó đành từ giã cõi đời.
Tháng Tám sao chiếu mệnh
Cho đến tháng 7/2015, cung đường của ông Lê Thanh Hải dường như vẫn hanh thông. Vào thời điểm đó, thậm chí ông Hải còn gây một sự kiện ẩn ý khi trở thành bí thư thành ủy duy nhất nằm trong đoàn đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng, trong khi Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - người được xem là được sủng ái bởi TBT Trọng - lại lặng lẽ ‘ở nhà’.
Nhưng sang tháng Tám năm 2015, dường như ngôi sao chiếu mệnh trong nhiều năm qua đối với ông Lê Thanh Hải bắt đầu chập chờn. Chỉ hai tháng ‘trước thềm đại hội đảng bộ TP.HCM’, chính quyền và giới tài phiệt thành phố này đã phải hứng chịu liên tiếp hai cáo buộc nặng nề từ các cơ quan trung ương.
Đầu tiên là vào tháng 8/2015, Thanh tra chính phủ ‘bất ngờ’ công bố kết luận thanh tra đối với Ủy ban Nhân dân thành phố này, nổi bật trong đó là hàng loạt quy kết về trách nhiệm đối với Chủ tịch Lê Hoàng Quân. Tuy quá trình thanh tra đã được tiến hành từ cuối năm 2014 và theo quy định, kết luận thanh tra phải được công bố ngay sau đó, nhưng cho đến gần đây mới được tung ra với độ trễ đến 9 tháng trời. Diễn biến này khiến dư luận không thể không liên tưởng vụ việc tống đạt kết luận thanh tra đối với chính quyền Đà Nẵng vào cuối năm 2012, chỉ ít ngày trước khi Bí thư Nguyễn Bá Thanh nhận lệnh tiến cử để ra Hà Nội nhậm chức trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Nhưng hơn hẳn Đà Nẵng, TP.HCM được coi là thành phố lớn thứ hai ở VN, với chức vụ bí thư thành ủy nơi đây luôn được cơ cấu một ghế ủy viên Bộ Chính trị. Nhiều người cho rằng tại thành phố này, mặc dù là người phụ trách hành pháp nhưng ông Lê Hoàng Quân chỉ đóng vai trò thứ yếu, trong khi toàn bộ thực quyền và quyết định nằm trong tay ông Lê Thanh Hải.
Cùng trong tháng 8/2015, liền kề với mũi tấn công từ Thanh tra chính phủ, cáo buộc thứ hai lại thuộc về Ngân hàng nhà nước của Thống đốc Nguyễn Văn Bình - người được một số dư luận xem là cánh tay mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong một động thái đột ngột, Ngân hàng DongA với cổ đông lớn là Thành ủy TP.HCM chiếm gần 7% cổ phần bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do nhiều vi phạm tài chính, còn TGĐ Trần Phương Bình cùng một số cấp dưới bị cách chức. Trong khi trước đó vào tháng 7/2015, chủ tịch HĐQT của ngân hàng này là cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước - ông Cao Sỹ Kiêm - đã thình lình xin từ nhiệm ‘vì lý do sức khỏe’.
Chỉ ít ngày trước khi xảy ra ‘vụ việc TP.HCM’, một nhân vật ‘đại gia’ cùng đoàn đi Mỹ với TBT Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Lê Thanh Hải là ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí (PVN) - đã đột ngột bị Bộ Công an khởi tố lẫn bắt giam liền kề. 10 ngày trước đó, ông Sơn vẫn còn ung dung ký tá thỏa thuận với đối tác Mỹ tại Washington với sự chứng kiến trực tiếp của TBT Trọng.
‘Luật riêng’ cho TP.HCM
Một hiện tượng diễn ra đồng thời nhưng trái chiều ‘vụ việc TP.HCM’ là vào trung tuần tháng 8/2015, TP.HCM bất ngờ tổ chức hội thảo với chủ đề ‘xây dựng đặc khu kinh tế’ cho thành phố này; và hơn thế, đòi hỏi TP.HCM cũng phải ‘được’ như Thủ đô - nghĩa là phải có ‘luật riêng’ - điều có thể được hiểu như một tín hiệu cho xu thế ‘tản quyền’ đang diễn ra ngày càng nhanh tại một số địa phương. Trong số những gương mặt ủng hộ TP.HCM về chủ đề này, đáng chú ý là một đại diện bên đảng - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ.
Đến cuối tháng 8/2015, Bí thư Lê Thanh Hải đã tiến thêm một bước cơ bản. ‘Tập thể Bộ Chính trị’ đã làm việc với đảng bộ TP.HCM, để sau đó “Bộ Chính trị tán thành về chủ trương và đồng ý giao Ban Kinh tế chủ trì phối hợp với TPHCM, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các ban ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất” về “đề xuất của TPHCM về chính sách và cơ chế phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng TPHCM” - như một kết luận mang tính chỉ đạo của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.
Cuộc họp quan trọng trên có mặt cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có thẩm quyền chỉ đạo trực tiếp cho Thanh tra chính phủ - cơ quan mà vào tháng 7/2015 đã đột ngột công bố kết luận thanh tra “nhiều vi phạm của TP.HCM và chủ tịch Lê Hoàng Quân”. Nhưng rất may, dường như Thủ tướng Dũng không bộc lộ ý kiến phản đối nào đối với đề xuất về đặc khu kinh tế và Vùng TP.HCM.
Tuy nhiên với dư luận thì lại là chuyện khác. Một số chuyên gia kinh tế đặt lại vấn đề có cần thiết hay không về đặc khu kinh tế TP.HCM, nhất là khi cho tới nay, chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn chưa có những tiến triển nào đáng kể.
Theo những chuyên gia này, muốn “Vùng TP.HCM” thành công thì phải giải quyết vấn đề liên kết vùng. Nhưng để thành công trong liên kết vùng, vấn đề khó nhất vẫn là giải quyết được lợi ích của các bên liên quan. Không thể nói liên kết vùng chung chung mà cần phải có cơ chế rõ ràng về kinh tế, chính sách để tạo ra dòng chảy cho cả vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Thế nhưng, với bối cảnh hiện tại rất khó để làm đại trà, đồng loạt với các địa phương vì lúc đó giải quyết câu chuyện lợi ích của mỗi bên sẽ rất khó…
Nhân vật ‘tuổi trẻ tài cao’
Vẫn chưa biết “Vùng TP.HCM” - một cơ chế hành chính bao trùm cả miền Đông Nam Bộ - sẽ khó khăn đến thế nào trong triển khai, chỉ biết rằng ít ngày sau khi TP.HCM bị công bố kết luận thanh tra và đồng thời Ngân hàng Đông Á bất ngờ bị Ngân hàng nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, ông Lê Trương Hải Hiếu - mới 34 tuổi và là con trai của Bí thư Lê Thanh Hải - thình lình nhận quyết định thăng chức từ Phó chủ tịch quận 1 lên chủ tịch quận 12.
Hiện tượng “tổ chức điều động” trên khiến người ta nhớ lại vụ việc diễn ra vào các tháng 7-8/2014: chỉ 2 tuần trước khi sang Hoa Kỳ chữa bệnh, ông Nguyễn Bá Thanh đã “thu xếp” để con trai mình là Nguyễn Bá Cảnh, mới 31 tuổi, được lọt vào Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Cũng có một vụ việc không thể lãng quên. Vào tháng 5/2014, bà Lê Thị Tuyết Mai, Huynh trưởng Cấp Tấn, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Miền Quảng Đức, đơn vị trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã tự thiêu đến chết ngay trước dinh Thống Nhất do quá phẫn uất trước hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tâm thế này đã được chính người nhà của nữ phật tử tuẫn tiết xác nhận. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Lê Trương Hải Hiếu - khi đó là Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM - đã khiến dư luận công phẫn vì lời giải thích của ông này trước báo giới “theo điều tra ban đầu, nguyên nhân khiến người phụ nữ này tự thiêu là do bế tắc về cuộc sống…”.
Hiện vẫn khó đoán có mối liên hệ nào giữa nhân vật “tuổi trẻ tài cao” Lê Trương Hải Hiếu với những tin đồn về ông Lê Thanh Hải “sắp ra trung ương”, cơ chế “luật riêng cho Vùng TP.HCM” trong tương lai và đại hội đảng bộ ở TP.HCM - có thể vào tháng 10/2015…