Tướng Thanh và sự đoản mệnh chính trị
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh. Ảnh minh họa chụp trước đây. |
(RFA) Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã không xuất hiện trước công chúng gần một tháng tính đến ngày 17/7/2015. Thông tin về việc ông gởi tham luận tới một cuộc Hội thảo của liên bộ Bộ Công an và Quốc phòng hôm 14/7 vừa qua cũng mù mờ như việc trấn an dư luận hồi đầu tháng của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập một tổ chức xã hội dân sự không phụ thuộc nhà nước từ Sài Gòn nhận định:
“Theo tôi tương lai chính trị của ông Phùng Quang Thanh đã trở nên mờ nhạt một cách hết sức đột ngột. Trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Washington mà không có mặt của ông Phùng Quang Thanh. Điều đó gây bất lợi tới vị thế chính trị của ông Phùng Quang Thanh trước thềm Đại hội Đảng XII và nếu như căn cứ vào tiêu chuẩn của ban bảo vệ sức khỏe Trung ương mà nhận định là ông Thanh không đủ sức khỏe để có thể tham gia ứng cử cho những chức vụ cao, trước đây đã có những tin đồn đoán là ông Thanh có thể được xếp vào chức vụ Chủ tịch nước thậm chí cao hơn nữa là Tổng Bí thư Đảng…và như vậy tương lai chính trị coi như sụp đổ.”
Lần cuối cùng ông Phùng Quang Thanh xuất hiện trước công chúng là ngày 19/6/2015, lúc đó báo chí nhà nước đưa tin ông sang Âu Châu và được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tiếp kiến. Bản tin của trang mạng chính thức Vietnam Plus có bài tường thuật chi tiết kèm hình hai vị bộ trưởng gặp nhau ở Bộ Quốc phòng Pháp thủ đô Paris, bức hình cho thấy ông Thanh khỏe mạnh bình thường. Báo chí nhà nước không đề cập gì tới việc Đại tướng Phùng Quang Thanh trở về Việt Nam sau chuyến đi Châu Âu.
Cuối tháng 6 các trang mạng xã hội rộ tin đồn tướng Thanh bị ám sát ở Pháp, tính mạng chưa rõ. Tuổi Trẻ ngày 1/7 là tờ báo đầu tiên đưa tin tướng Thanh được phẫu thuật phổi ở Pháp dựa theo nguồn tin riêng. Một ngày sau, các giới chức của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương mới chính thức đưa tin là tướng Thanh sang Pháp ngày 23/4 để làm sinh thiết khối u phổi và đến ngày 30/6 đã được phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u lành tính không có dấu hiệu ung thư. Vẫn theo tin này sức khỏe ông Thanh ổn định và sắp trở về Việt Nam.
Ngày 2/7/2015 trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tham mưu của Đảng đã nhận định:
“Xưa nay cán bộ cao cấp đi chữa bệnh điều trị thì không bao giờ loan báo, hình thành lệ thường như thế. Vài ngày qua có những tin tức như vậy nên cũng cần có thông báo như cách để cải chính lại những tin không đúng. Bình thường nếu không có những tin đồn đoán thì chắc cũng chẳng đưa. Tôi nghĩ đưa tin đó ra bởi vì có tin trên mạng nói ông ấy gặp nạn ở Paris thì việc đưa tin là một cách cải chính.”
Sau ngày 2/7 báo chí do nhà nước quản lý không còn cập nhật tin về tình hình sức khỏe sau giải phẫu của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ngày 6/7 báo Đời sống và Pháp luật bị phạt 30 triệu đồng vì đã đăng tiểu sử Đại tướng Phùng Quang Thanh, một việc có thể khiến dư luận hiểu lầm là ông đã chết. Tới ngày 9/7/2015 Giáo sư Phạm Gia Khải thành viên Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương trả lời báo đài nước ngoài cho biết ông Phùng Quang Thanh đã xuất viện nhưng vẫn tiếp tục ở lại Pháp để tiếp tục kiểm tra hậu phẫu. Trong tất cả các thông tin chính thức liên quan đến việc ông Phùng Quang Thanh giải phẫu ở Pháp không hề kèm theo bất cứ hình ảnh nào.
Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng nói là ông đi ngoài đường nghe người ta bàn luận về tin ông Phùng Quang Thanh, hiện nay mỗi người đều có điện thoại di động và có thể cập nhật thông tin hàng ngày. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:
“Tiểu thương trong chợ, thậm chí cả nông dân người ta đều biết về trường hợp ông Phùng Quang Thanh gọi là bị mất tích thì làm sao những người trong nhà nước không biết không nhận thức ra việc không thông tin về ông Phùng Quang Thanh là điều rất dở. Nhưng tôi đồ rằng có lẽ có vấn đề gì đó bất bình thường, nói cách khác hoàn toàn không bình thường đối với ông Phùng Quang Thanh, vì vậy vậy người ta mới cố gắng giữ kín. Nhưng càng giữ kín lại càng xuất hiện quá nhiều tin đồn và cho tới bây giờ những tin đồn đó đang đẩy tình trạng ông Phùng Quang Thanh không phải theo kịch bản như lúc đầu dự đoán là vấn đề sức khỏe nữa, mà theo những kịch bản xấu hơn. Đó chính là vấn đề mà tôi nghĩ rằng bên tuyên giáo họ đã thất bại và họ để càng lâu thì tin đồn lại càng mưng mủ và do đó số phận của tướng Phùng Quang Thanh lại càng thêm bí ẩn.”
Phe thân Trung Quốc thất thế?
Thật ra chỉ cần sự xuất hiện vài giây của ông Phùng Quang Thanh trên TV và đưa hình mới nhất của ông lên báo chí thì sẽ xóa sạch mọi tin đồn. Nhưng Tuyên giáo Đảng và ngành thông tin của Chính phủ đã không làm được điều dễ dàng này. Sự thiếu minh bạch thông tin gây ra những tin đồn đoán dựa trên sự kiện bất thường và sự trùng hợp lạ kỳ liên quan đến sự biến mất của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Tướng thanh từ trước đến nay được mô tả là một nhân vật thân Trung Quốc, những phát biểu của ông tại các hội nghị trong ngoài nước liên quan đến tranh chấp Việt-Trung thể hiện rõ điều này. Tướng Thanh biến mất và ngay sau đó là việc thay thế hai lãnh đạo cao nhất của Bộ Tư lệnh Thủ đô và tiếp theo là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, ngày 3/7/2015 đã diễn ra lễ bàn giao chức vụ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đây là những chức vụ quân sự tối quan trọng ở Hà Nội và dư luận cho là khác thường vì cùng lúc cho về hưu cả tư lệnh lẫn chính ủy là hai vị Trung tướng Phí Quốc Tuấn và Trung tướng Lê Hùng Mạnh. Đáng chú ý bản tin của Bộ Quốc phòng nói rằng việc thay tướng là theo quyết định của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không nêu tên.
Nhận định về sự kiện thay hai tướng Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô mà dưới quyền chỉ huy có 20.000 quân, TS Phạm Chí Dũng phát biều:
"Tôi chưa dám nhận định sâu về việc thay tư lệnh và chính ủy Quân khu Thủ đô… nghe rằng vị tư lệnh cũ chưa đến tuổi về hưu nhưng về theo dạng nghỉ chờ hưu, điều này cũng khá bình thường trong giới cán bộ công chức Việt Nam… Có điều dư luận cho rằng việc ông Thanh đang điều trị tại Pháp có liên quan tới quan điểm của ông trong việc quá gần gũi với Trung Quốc mà người ta vẫn gọi cách hài hước là ‘Tướng tâm tư’ ông ấy tâm tư về dư luận chống Trung Quốc ở Việt Nam và có thể nói rằng đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm…nhạy cảm về về mặt chính trị liên quan tới Đại hội Đảng XII. Việc tướng Phùng Quang Thanh không xuất hiện rồi sau đó dậy lên dư luận đồn đoán ông ta đã bị ám sát có thể liên quan đến vấn đề nội bộ của Việt Nam.”
Câu chuyện về sinh mạng chính trị của tướng Phùng Quang Thanh trang mạng Dân Luận có bài của tác giả Việt Dũng dịch từ bản Hoa ngữ của Báo Boxun Trung Quốc với tựa “Phái thân Hoa thất thế và tai nạn của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.” Tờ báo này cho biết đang xác định thực hư về tin Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã mất hút, và một quan chức khác của của Bộ này cũng mất tích.
Bài nhận định trên Báo Boxun Trung Quốc nói về sự tồn tại trong giới lãnh đạo chính trị Việt Nam hai phái thân Trung Quốc và thân Mỹ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu phái thân Trung Quốc còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thuộc phái thân Mỹ và có mưu cầu kiến lập một quan hệ mật thiết về kinh tế với Mỹ.
Vẫn theo dịch giả Việt Dũng và trang mạng Dân Luận, Báo Boxun Trung Quốc nhận định rằng, sau khi tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại, giới lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam đã có sự thay đổi về lập trường….theo đó đa số những phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ nhiều nhân vật phái thân Trung Quốc đã thay đổi để chuyển sang thân Mỹ… Năm 2016 tới đây, sau Đại hội Đảng CSVN giới lãnh đạo của Việt Nam sẽ có thay đổi lớn. Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu phái thân Mỹ rất có thể giành được vị trí Tổng Bí thư, điều đó cho thấy việc loại bỏ phái thân Trung Quốc sẽ là đòi hỏi tất yếu trong giới lãnh đạo Việt Nam. Sự ra đi của của Đại tướng Phùng Quang Thanh gần đây cho thấy, đây là kết quả tất yếu của tình hình này. Đến lúc đó, phái thân Mỹ sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối, còn phái thân Trung Quốc khó có thể trụ được trước sức mạnh của phái thân Mỹ do Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Điều đó cho thấy, có lẽ các lãnh đạo cao cấp thân Trung Quốc buộc phải chấp nhận. Và họ sẽ bị loại bỏ khỏi giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam để trở thành những nhân vật bên lề và cuối cùng phái thân Hoa cũng sẽ phải rời khỏi chính trường Việt Nam.
Lập luận của Báo Boxun Trung Quốc mà chúng tôi trích một vài đoạn từ bản dịch trên trang mạng Dân Luận đã tạo thêm cơ sở cho các tin đồn đãi ở Việt Nam về sự đoản mệnh chính trị của tướng Phùng Quang Thanh, cũng như gây phấn khởi cho những người Việt Nam mong muốn chính quyền thân thiện và liên minh với Hoa Kỳ để có thêm khả năng phát triển kinh tế và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-07-17