Chiến dịch Nhân quyền cho VN 2015-“We are one”.
Bích chương kêu gọi tuyệt thực toàn cầu |
(RFA) Chiến dịch Nhân quyền 2015 với tên gọi “We Are One”-“Chúng ta là một” đang bước vào giai đoạn thứ 2, kêu gọi hưởng ứng ngày “Tổng Tuyệt Thực toàn cầu” cho tự do của tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Chiến dịch Nhân quyền 2015-“Chúng ta là một”
Ý tưởng Chiến dịch Nhân quyền 2015-“Chúng ta là một”- “We Are One” được hình thành trong bối cảnh chính trị ở VN có sự thay đổi nhân sự để tiếp tục duy trì hệ thống toàn trị của Đảng CSVN cũng như các diễn biến liên quan mối quan hệ giữa Trung Quốc-VN-Hoa Kỳ và đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Duơng TPP. Trao đổi với Hòa Ái từ Hải Phòng, tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, một trong những người lên kế hoạch chiến dịch vận động cho nhân quyền năm 2015 cho biết mục đích của chiến dịch “Chúng ta là một”-“We Are One”:
“Với bối cảnh như vậy thì chúng ta có thể vừa đấu tranh cho nhưng vấn đề về nhân quyền, dân chủ, vừa lên tiếng cho những hành động bảo vệ chủ quyền và bên cạnh đó với TPP và nhưng chuyển động xoay quanh mối quan hệ giữa Đảng CSVN-Trung cộng và Mỹ để cho chúng ta cơ hội kết hợp trong và ngoài nước người Việt khắp nơi trên thế giới. Và vì nó là một phong trào của chung nên sự hưởng ứng và tham gia theo tính cách của phong trào tự phát và dựa vào khuynh hướng chung “Chúng ta là một” để tranh đấu cho các tù nhân lương tâm, cho nhân quyền”.
Từ Úc Châu, ông Hoàng Ngọc Diêu, người tự nguyện tham gia và cũng là cố vấn viên cho chiến dịch Nhân quyền 2015 chia sẻ:
“Lý do tôi tham gia phong trào ‘We Are One’ này thực ra chỉ thu gọn trong1- 2 chữ, ‘kết nối’. Tại sao kết nối quan trọng? Tại vì trong quốc nội, cho đến ngày giờ này có rất nhiều tổ chức dân sự và nhiều tổ chức tranh đấu về nhân quyền cũng như dân oan và nhiều tổ chức đòi hỏi sự công bằng và dân chủ cho VN; ở hải ngoại cũng có rất nhiều hội đoàn nhưng sự kết nối của các hội đoàn và tổ chức dân sự rất mong manh, rất hạn hẹp. Mặc dù có cùng mục đích nhưng sự kết nối không chặt chẽ. ‘We Are One’ có tiêu chí rất quan trọng là không phân biệt đảng phái, biên giới, tôn giáo, cũng như không phân biệt tuổi tác, giới tính…Đây là cái nền để giúp cho mọi người Việt trong và ngoài nước có thể ngồi lại với nhau và có thể cùng làm, cùng đẩy cho dân chủ và tự do ở VN đi tới bước ngoặc khác”.
Là một trong những người điều hợp cho chiến dịch Nhân quyền 2015-“We Are One”, cô Mi Vân, từ Na Uy giải thích vì sao chọn lựa tiêu đề “Ngày Tổng Tuyệt Thực toàn cầu ngày 25 tháng 7 năm 2015”:
“Tại sao mình không làm điều gì đó để tạo sự quan tâm của quốc tế? Làm thế nào để mình đưa một hình ảnh chung, một tiếng nói chung của người Việt ở khắp nơi? Và nghĩ rằng nếu mình bắt đầu từ việc gọi là ‘tổng thắp nến’ hay gì đó thì có thể sự hưởng ứng sẽ dễ hơn và đông hơn gọi là ‘tổng tuyệt thực’ nhưng khi nói đến đã chọn ‘tổng tuyệt thực’ thì Mi Vân nghĩ rằng những người tham dự không ít thì nhiều đã khắc phục được khắc phục được chính bản thân là khắc phục được sự sợ hãi. Và do tuyệt thực suốt 24 tiếng đồng hồ nên Mi Vân nghĩ chắc người tham gia chắc sẽ nghiêm túc trong ngày đó. Mi Vân cảm thấy rất vui vì cho đến ngày hôm nay, mặc dù chưa đến ngày 25/7 và chưa biết kết quả sẽ như thế nào nhưng tự nghĩ từ xưa đến giờ Mi Vân chưa nghe qua và thấy qua và có thể đây là sự bắt đầu đầu tiên của sự kết hợp trong và ngoài nước”.
Nhiều quốc gia đăng ký tham gia
Thông tin mới nhất về ngày Tổng tuyệt thực toàn cầu 25 tháng 7 tới đây ghi nhận đã có rất nhiều người từ 14 quốc gia đăng ký tham gia, bao gồm VN, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Úc, Cộng hòa Czech, Pháp, Phần Lan, Đức, Bỉ, Tân Tây Lan, Na-Uy, Đan Mạch, Canada và Hoa Kỳ. Tiến sĩ tâm lý Diệu Thoa Trương ở Mỹ, một trong những người tham gia ngày Tổng Tuyệt Thực toàn cầu với hy vọng đánh động dư luận thế giới về tình trạng không có tự do dân chủ ở VN:
“Mục đích của tôi tham gia vào cuộc tuyệt thực tập thể trên toàn thế giới là tôi muốn chia sẻ ý kiến của mình về sự bất công, áp bức của chính quyền Cộng sản khi giam giữ tù nhân chính trị hay còn gọi là tù nhân lương tâm. Ba mẹ tôi vẫn dạy chúng tôi khi còn nhỏ là trước nhất phải thành nhân rồi mới thành công và thứ hai là làm người tử tế thì không thể làm ngơ trước những áp bức, bất công, oan ức của người người chung quanh mình phải chịu đựng. Chúng tôi học hỏi mục đích chính của đời này là phải giúp đỡ những người khác. Nếu chúng ta không giúp được họ thì cung không nên làm hại họ. Do đó khi chúng tôi thấy chính quyền Cộng sản (VN) làm hại, đàn áp những tù nhân lương tâm chính trị thì chúng tôi không thể nào làm ngơ được và chúng tôi cũng không làm được gì ngoài cách tuyệt thực để cho thế giới biết tình trạng không có tự do, công lý ở VN”.
Trong khi ngày “Tổng Tuyệt Thực toàn cầu” được nhiều người hưởng ứng từ nhiều quốc gia khắp năm châu nhưng tại VN vì điều kiện trở ngại mà nhiều người tham gia phải chọn các hình thức khác. Từ Sài Gòn, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú lên tiếng sẽ tham gia bằng hình thức thắp nến:
“Tôi tham gia chiến dịch này để đấu tranh cho những người bạn tù của tôi, cho những người sống vì lý tưởng để họ nghĩ rằng không bao giờ họ cô đơn. Trong bước 2 của Chiến dịch Nhân quyền 2015 này, có nhiều hình thức hoạt động khác nhau như là tuyệt thực hay thắp nến hoặc đi xe đạp, tọa kháng…Vì hoàn cảnh ở trong nước VN của tôi rất khó khăn trong việc tuyệt thực cho nên tôi chọn phương pháp thắp nến và tôi sẽ cùng một số cựu tù nhân lương tâm để cùng thắp nến để cầu nguyện cho những tử tù đã bị đàn áp và bị bức tử trong tù đồng thời cầu bình an cho những tù nhân lương tâm đang ở trong trại giam”.
Chiến dịch Nhân quyền 2015-We Are One được khởi động từ đầu năm 2015 gồm 4 bước. Bước đầu tiên là vận động cùng nhau ký tên vào thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế nêu lên ước vọng của người Việt về vấn đề nhân quyền,tự do, dân chủ cho VN. Thông điệp của chiến dịch “We Are One” gửi đến quốc tế rằng nếu như nhân quyền là quyền phổ quát bất khả xâm phạm thì những quốc gia dân chủ tự do hãy xem sự xúc phạm nhân quyền ở bất cứ nơi đâu đều là xúc phạm lên những giá trị căn bản của chính họ.