Đức Quốc: Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận
Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận 1975-2015
và Văn Nghệ Đấu Tranh tổ chức tại Thủ đô Berlin/Đức Quốc,
ngày 25.04.2015
* Tham dự viên Lê-Ngọc Châu lược thuật
Lời phi lộ: Là một tham dự viên độc lập, tôi đến Berlin hôm 25-04-15 để tham dự ngày Quốc Hận 30-04 với mục đích ủng hộ Liên Hội người Việt tỵ nạn tại Cộng hòa Liên Bang Đức (LHNVTN tại CHLB Đức) trong một công tác đấu tranh đầy chính nghĩa của người VIệt Tỵ Nạn cộng sản đang định cư tại Đức. Tuy có mặt ngay từ đầu cho đến khi ngày Quốc Hận 30-04 gần bế mạc nhưng khả năng hạn hẹp, trí nhớ sút kém nên tôi không thể ghi nhận được tất cả mọi diễn tiến. Cũng không phải là ký giả chuyên nghiệp, lại nhớ đâu viết đó nên thiếu sót không tránh khỏi. Mong quý vị tham dự viên và độc giả hoan hỷ cho. Trân trọng cám ơn (LNC).
***
Thời tiết tại Berlin hôm nay, 25-04 rất đẹp, nắng ấm và đã có gần 200 trăm người Việt yêu Tự Do Dân Chủ từ khắp nơi trên nước Đức tụ tập về, tham dự sinh hoạt đấu tranh do Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức e. V. (LHNVTN_CHLB Đức) với sự hổ trợ của Hội NVTNcs Moenchengladbach, Bremen ...tổ chức. Gồm ba phần:
• Phần 1: Biểu tình trước Tòa Đại sứ Việt cộng
Cuộc biểu tình vào lúc 12 giờ sáng thứ bảy 25 tháng Tư năm 2015 trước Tòa Đại sứ Việt cộng, đánh dấu 40 năm miền Nam VN bị cộng sản Bắc Việt với sự giúp đỡ về mọi mặt của Nga + Tàu và khối cộng sản quốc tế cưỡng chiếm.
Anh chị em trong BTC mỗi người giúp một tay vì thế mọi việc đã được giải quyết mau lẹ và không trở ngại nào cả. Trong khi chờ đợi đồng hương lâu ngày gặp gỡ nên chào hỏi và hàn huyên với nhau rối rít. Trong dịp này riêng tôi cũng đã gặp lại một số bạn bè, thân hữu mà tôi đã quen biết qua các sinh hoạt từ sau tháng Tư Đen 1975.
Sau khi chuẩn bị xong, đúng giờ anh Tôn Vinh thay mặt BTC lên tiếng kêu gọi đồng hương chuẩn bị và tuyên bố cuộc biểu tình bắt đầu bởi những nghi thức thường lệ với Lễ Chào Cờ Việt Nam Cộng Hoà, cùng nhau hát vang bài quốc ca. Tiếp theo là một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh cho lý tưởng Tự Do và chính nghĩa Quốc Gia cũng như những đồng hương thiếu may mắn đã bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển đi tìm Tự Do cũng như quân cán chính VNCH đã bị chết oan ức trong những trại tù mệnh danh là trại cải tạo của Việt cộng.
Cuộc biểu tình trước Tòa Đại sứ Việt cộng tại Berlin, bắt đầu lúc 12h00. Điều hợp viên là anh Tôn Vinh (PcT Ngoại vụ của Liên Hội NVTN tại CHLB Đức). Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội NVTN tại CHLB Đức đã đại diện Liên Hội cũng như BTC chào mừng và cám ơn các tổ chức, hội đoàn và đồng hương về tham dự ngày tưởng niệm 40 năm Quốc Hận (1975-2015). Bà ta sơ lược chương trình, tóm tắt biến cố và ý nghĩa của ngày 30.4.1975 đối với cả dân tộc Việt Nam: Một tai họa khủng khiếp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử VN nói riêng.
Đặc biệt là sự phát biểu cảm tưởng về ngày 30.4 của Bs Huỳnh Quốc Bảo (con trai của anh bạn tỵ nạn quen biết qua/nhờ các sinh hoạt chống cộng tổ chức ở Đức trong quá khứ!) đại diện lớp trẻ cho biết tuy sinh ra và trưởng thành tại Đức nhưng lòng luôn hướng về quê mẹ vì nơi đó còn tràn đầy áp bức và thiếu Tự Do Dân Chủ.
Có gần 200 đồng hương tỵ nạn tham dự cuộc biểu tình trước Tòa Đại sứ Việt cộng. Xa nhất là một hai đồng hương đến từ Pháp, Ý, Hòa Lan. Ngoài đồng hương tỵ nạn tại Berlin còn có nhiều hội đoàn / tham dự viên đến từ Hamburg, Muenchen, Moenchengladbach, Frankfurt/Hessen, Koeln, Duesseldorf, Bremen, Nam Đức, Krefeld, Stuttgart, Mannheim, Odenwald, Nettetal ...
Xen kẽ là văn nghệ đấu tranh cũng do anh Tôn Vinh phụ trách. Tham dự viên đã cùng hát chung những bài hát đầy đấu tranh tính như Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, “Đáp Lời Sông Núi”,... làm tăng thêm khí thế của đoàn biểu tình trước Sứ quán CsVN mà đối với những ai thường xuyên tham dự biểu tình đều biết rõ là họ luôn cửa đóng then gài, chỉ vén màn len lén nhìn từ cửa sổ mỗi khi có cuộc biểu tình tương tự.
Cuộc biểu tình chấm dứt lúc 14h00. Sau đó mọi người thu dọn "chiến trường" và kéo về Cổng Brandenburger (das Brandenburger Tor) để tham dự buổi Meeting và Tuần hành ngay tại trung tâm thủ đô Bá Linh của nước Đức.
• Phần 2: Meeting và Tuần hành tại Brandenburger Tor
Cổng Brandenburger là điạ danh nổi tiếng của Bá Linh, Thủ đô của nước Đức. Đây là khu vực đầy di tích lịch sử mà hàng ngày có nhiều du khách từ khắp thế giới đến tham quan, nếu họ dừng chân ở Berlin. Đồng hương người Việt tỵ nạn di chuyển sớm đến đây sau cuộc biểu tình trước Tòa Đại sứ csVN để tham dự Meeting và tuần hành.. Anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh (PcT Ngoại vụ của LHNVTN tại CHLB Đức) bắt đầu phần 2 bằng diễn văn tiếng Đức với mục đích cho người Đức và du khách hiện diện biết lý do tại sao có cuộc biểu tình. Anh Vinh nhấn mạnh ý nghĩa ngày 30.4.1975 đối với dân tộc Việt Nam cũng như những tội ác tày trời mà cộng sản Việt Nam (csVN) đã liên tục phủ chụp lên cả nước suốt từ ngày cưỡng chiếm Nam VN và lên cầm quyền . Sự lệ thuộc của csVN vào ngoại bang, hết Liên Sô đến Tàu cộng cũng đã được đề cập đến. Anh cũng không quên cám ơn chính phủ và nhân Đức đã tạo điều kiện cho khoảng 40.000 người Việt được quyền tỵ nạn có được một cuộc sống mới trên nước Đức, một quê hương thứ hai phồn vinh, tự do, dân chủ và đầy lòng bác ái.
Truyền đơn bằng Anh ngữ và Đức ngữ nói lên thực trạng Việt Nam sau 40 năm dưới sự thống trị của tập đoàn CSVN cũng đã được các thiện nguyện viên phân phát cho khách qua đường. Anh Tôn Vinh cũng phát biểu bằng Anh ngữ để cho du khách qua lại biết lý do và mục đích buổi Meeting và tuần hành.
Bà BS Mỹ Lâm đọc bài diễn văn bằng tiếng Đức sau nghi thức rước cờ vàng của Nhóm Thanh Niên Cờ Vàng từ Hòa Lan sang tham dự. Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều khuôn mặt rất trẻ của cộng đồng NVTN ở Đức, một hy vọng, có thể nói là sự hứa hẹn cho sự nối tiếp công cuộc đấu tranh của NVTN ở hải ngoại nói chung và Đức nói riêng trong tương lai cho một Việt Nam dân chủ thực sự. Nghi thức trao cờ từ tay thế hệ đi trước vào tay thế hệ trẻ do ông Nguyễn Văn Rị từ Moenchengladbach điều hợp đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, long trọng. Những phụ nữ Việt tỵ nạn với chiếc áo dài tím và băng tím cột trên đầu làm biểu tượng cho sự thương tiếc một nửa đất nước Tự Do (Nam Việt Nam) đã bị mất vào tay cộng sản độc tài đảng trị từ 40 năm qua (1975-2015).
Nghi thức rước cờ đã gây sự chú ý của du khách và phóng viên tuyền hình, báo chí kết thúc với một vòng tuần hành đẹp mắt quanh quảng trường "Brandenburger Tor" xen lẫn trong tiếng nhạc với bài ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” và “Việt Nam Việt Nam” cùng những khấu hiệu mà chúng tôi đã hô to trước đó trước Tòa Đại Sứ Việt cộng.
Chưa bao giờ nhiều cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, biểu tượng cho Tự Do Dân Chủ, cho người Việt tỵ nạn cộng sản ngạo nghễ bay phất phới trong ngày Quốc Hận 30-04 năm nay giữa vòm trời Thủ đô Bá Linh nói riêng.
Ông Nguyễn văn Rị, thành viên ban tổ chức đã nói trong buổi Meeting ở Cổng Brandenburger và hy vọng rằng chế độ độc tài đảng trị ngay trên quê hương Việt Nam sẽ bị lật đổ, cáo chung một ngày gần đây.
• Phần 3: Cầu nguyện liên tôn, hội thảo và văn nghệ đấu tranh Tại hội trường thánh đường St. Aloysius
Một điểm không kém phần quan trọng là ban tổ chức đã lo phần ẩm thực phục vụ tham dự viên. Bà con thưởng thức bánh mì thịt, nước uống, trái cây trước khi buổi Meeting & tuần hành bắt đầu. Tại thánh đường St. Aloysius các tham dự viên đã được BTC khoản đãi mời dùng một bữa cơm thịnh soạn gồm 2 món thịt kho trứng gà và bò kho với đồ chua. Ngoài ra còn có "tráng miệng" với nhiều trái cây tươi, bánh ngọt đủ loại, cà phê, trà, nước lọc ...
Chương trình phần 3 được bắt đầu bằng 2 nghi thức tôn giáo thực hiện riêng cho tham dự viên Công Giáo trong nhà thờ và Phật Giáo trong hội trường thánh đường St. Aloysius.
Đúng như đã ấn đinh, lúc 18 giờ anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh giới thiệu quan khách trước nghi thức chào cờ và mặc niệm. Trong phần mặc niệm anh Vinh đã nhấn mạnh rằng mọi người cùng tưởng niệm cả những nạn nhân của chế độ cộng sản Đức và đặc biệt cố thống đốc tiểu bang Niedersachsen, tiến sĩ Ernst Albecht, người đầu tiên đã nhận người Việt tỵ nạn (thuyền nhân tỵ nạn) vào nước Đức.
Nghi thức thắp nến tưởng niệm quanh bản đồ Việt Nam đã diễn ra trong âm thanh trầm mặc của bài “Kinh Hòa Bình” và trong bầu không khí rất trang nghiêm dưới sự hướng dẫn của linh mục chủ nhà Đỗ Ngọc Hà và ông Nguyễn Văn Rị.
Kế tiếp là bài diễn văn song ngữ Đức + Việt của bác sĩ Mỹ Lâm nhấn mạnh tình trạng tồi tệ hiện tại ở VN sau ngày 30 tháng Tư đen. Cuối bài diễn văn bà Mỹ Lâm đã đề cấp đến cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài, đòi lại quyền làm người.
Xen kẽ là đoạn phim “40 năm nhìn lại” thực hiện khá công phu với phần phụ đề song ngữ cùng âm nhạc thích hợp đã được trình chiếu gây sự chú ý của cử tọa. Phim bắt đầu từ cuộc tấn chiếm miền Nam vào đầu tháng 4.1975 cho đến việc ghi nhận những cuộc xuống đường chống lại việc đốn chặt / cưa cây xanh ở Hà Nội mới đây.
Ông Phạm Công Hoàng (Pct nội vụ của LHNVTN) đã đọc, dịch thư của bà đương kim bộ trưởng quốc phòng Ursula von der Leyen, ái nữ của ông Ernst Albrecht, gửi cho BTC và Liên Hội. Bà Von der Leyen lên tiếng khích lệ và cầu chúc cộng đồng Việt Nam ở Đức thành công hơn nữa. BS Huỳnh Quốc Bảo thì đọc lá thư bằng tiếng Đức của ông Rainer Eppelmann gửi đến BTC. Thư sơ lược sự sụp đổ của chế độ cộng sản Đông Đức và cũng chúc dân tộc Việt Nam sớm vứt bỏ thể chế tàn ác này để phát triển. Như chúng ta biết, ông Eppelmann là một mục sư Tin Lành, từng là nhà hoạt động dân chủ dưới chế độ cộng sản Đông Đức trước khi chế độ DDR sụp đổ. Ông hiện là Giám đốc Hội Điều Nghiên chế độ cộng sản Đông Đức.
Hai điễn giả Đức do BTC mời là Giáo sư TS (Prof. Dr.) Johannes Kals và TS Josef Bordat đã phát biểu ngắn gọn cảm tưởng của họ. GS Kals, người đã vận động hơn 300 chữ ký của các chính trị gia và trí thức Đức để yêu cầu nhà cầm quyền CsVN trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân đang bị cầm tù. Ông TS Bordat, một Blogger khá nổi tiếng, cũng tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, cho rằng các quyền tự do căn bản của con người, nhất là quyền Tự do ngôn luận ảnh hưởng nhiều đến sự phồn thịnh của một quốc gia !.
Ban Tổ Chức ngỏ lời chân thành cám ơn đến ban ẩm thực cũng như tất cả các hội đoàn, thân hữu tích cực đóng góp cho buổi Mít Tinh, Tuần hành và biểu tình.
Sau cùng là chương trình Văn Nghệ đấu tranh do Thy Kim và anh Phạm công Hoàng điều khiển. Tham dự viên hiện diện tại hội trường có dịp thưởng thức tài nghệ của những giọng hát địa phương với những bài hát rực lửa đấu tranh và đượm tình quê hương, ngậm ngùi thời chinh chiến như Cái Cò, Một Lần Đi hay Vĩnh Biệt Sài Gòn, Trả Lại Cho Tôi Non Sông Việt Nam ..., Ngâm Thơ, Hợp tấu Saxophon và Guitar bài hát "Việt Nam Tôi Đâu". Rất tiếc vì kẹt thời gian nên người viết phải rời hội trướng sau 22h trong luyến tiếc khi mà chương trình văn nghệ đang hào hứng nên không nắm vững diễn tiến sinh hoạt văn nghệ vì vậy đành phải chấm dứt sự tường thuật ở đây. Ngoài ra vì tôi hay lui tới, ra vào hội trường nên không ghi nhận đầy đủ tên ca sĩ trình bày được giới thiệu và nhạc sĩ sáng tác bản nhạc, mong độc giả và các nghệ sĩ hoan hỷ cho ! .
Tóm lại, ngày quốc hận 2015 thành công mỹ mãn, từ khí thế đấu tranh, cho đến hình thức tổ chức. Ngày Quốc Hận kết thúc lúc 23h....cùng ngày.
Mời quý vị xem Video dài 22,30min. Xin ghi nguồn khi phổ biến, cám ơn:
40 Năm Quốc Hận Tại Berlin, 25.04.2015
* © Lê-Ngọc Châu (Tham dự viên tóm lược_ Nam Đức, 29.04.2015)