Quan hệ Mỹ-Thái trục trặc, TQ thừa cơ hội lấn sân
Quan hệ Thái Lan- Mỹ trong giai đoạn "khó khăn". Reuters |
Từ nhiều chục năm nay, cuộc tập trận « Cobra Gold » Kim Mãng Xà là một loại báu vật trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh chiến lược Thái Lan.
Tuy nhiên, cuộc tập trận năm nay, khai diễn từ ngày 09/02 đã giảm quy mô đáng kể vì Hoa Kỳ rút bớt các phương tiện yểm trợ.
Washington không ngần ngại bày tỏ bất bình với tập đoàn quân sự Thái do tướng Chan-O-Cha cầm đầu. Xử lý thường vụ sứ quán Mỹ tại Bangkok, Patrick Murphy tuyên bố trên mạng điện tử : cuộc tập trận đã được « thay đổi » vì tình thế « khó khăn ». Đại diện ngoại giao Mỹ kêu gọi Thái Lan phải tái lập chế độ dân chủ toàn diện. Điểm chốt của chiến dịch là cuộc đổ bộ của Thủy Quân Lục Chiến cũng bị rút ra khỏi chương trình.
Theo AFP, trong suốt những tháng qua, từ khi Thái Lan bị quân đội kiểm soát, Hoa Kỳ đã đặt vấn đề là liệu có nên tiến hành chiến dịch « Cobra Gold » cho năm 2015 này hay không. Một số dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị hủy bỏ hoặc dời địa điểm sang miền bắc nước Úc.
Vấn đề là trong chính sách « xoay trục » về châu Á Thái Bình dương để đối đầu với Trung Quốc mỗi ngày mỗi mạnh và hung bạo, Hoa Kỳ không thể đánh mất đồng minh Thái Lan. Vai trò của quân đội Thái là điểm tựa không thể thiếu của Mỹ bắt nguồn từ giữa thế kỷ trước theo như nhận định của chuyên gia quốc phòng Anthony Davis ở Bangkok, của viện IHS-Jane : Từ chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Lào, cho đến chiến tranh chống cộng sản nổi dậy ngay tại Thái Lan, đều có liên minh Mỹ-Thái. Do vậy, không thể một sớm một chiều vất mối quan hệ sâu đậm này vào sọt rác.
Vấn đề là quan hệ Mỹ-Thái không còn nồng nhiệt như trước kể từ tháng 5/2014.
Cách nay không đầy một tuần, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á, Daniel Russel tuyên bố tại Bangkok « cần phải tái lập chính phủ dân cử » và chỉ trích chính quyền mới truy bức thủ tướng bị lật đổ Yingluck vì « lý do chính trị ».Tướng Chan-O-Cha đã không che giấu bất bình : cuộc họp báo trình bày về cuộc tập trận chung Cobra Gold bất ngờ bị hủy bỏ mà Thái Lan không giải thích lý do.
Cũng cùng thời điểm đó, ngày 06/02, thủ tướng Chan-O-Cha tiếp bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và khen ngợi Bắc Kinh « thông hiểu hoàn cảnh chính trị » của Thái. Nói cách khác, tập đoàn quân sự Thái Lan gần như thẳng thừng trách đồng minh Hoa Kỳ kém tế nhị.
Trung Quốc còn được Thái Lan kêu gọi trợ giúp công nghiệp quốc phòng và chuyển giao công nghệ.
Tháng 12/2014, Thái Lan và Trung Quốc cũng đã ký nhiều hợp đồng kinh tế trong đó xây dựng đường xe lửa được giới phân tích xem là bằng chứng Bắc Kinh khai thác tình thế cơm không lành canh không ngọt giữa Mỹ và Thái Lan.
Quân đội Trung Quốc năm nay, là lần thứ hai, tham gia vào chiến dịch Kim Mãng Xà bên cạnh 20 quốc gia khác.
Theo Gregory Poling, một chuyên gia quân sự Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng chính các tướng lãnh Thái qua cuộc đảo chính tháng 05/2014 đã đẩy Hoa Kỳ vào thế kẹt. Mỹ không thể đồng tình một hành động phản dân chủ và ủng hộ một tập đoàn quân sự.
Tuy vậy giới phân tích tại Thái Lan như Anthony Davis tin rằng dù Hoa Kỳ chỉ trích, dù Thái Lan tiếp cận với Trung Quốc nhưng cuối cùng người Thái, với nghệ thuật ngoại giao cân bằng ảnh hưởng khôn khéo, không bao giờ nộp mình cho mãnh long Trung Quốc.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thái thật ra vì vụ đảo chính gây ra. Thái Lan không bao giờ dại dột bỏ Mỹ chạy theo Trung Quốc vì như thế quốc gia Đông nam Á này sẽ bị thiệt hại vô cùng.