Mỹ treo giải 3 triệu đô la bắt một tin tặc Nga
Lệnh truy nã Mikhailovitch Bogachev của FBI. REUTERS |
Theo Washington, « Bogachev, còn biết đến với bí danh lucky 12345 và slavik, bị cáo buộc là quản trị viên một mạng lưới đã cấy một phần mềm tin tặc vào hơn một triệu máy tính mà không được phép ».
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những kẻ sử dụng phần mềm « Zeus » hoặc « GameOver Zeus » trong phiên bản mới nhất, đã « đánh cắp những thông tin ngân hàng và vét sạch tài khoản », lấy trộm tổng cộng « hơn 100 triệu đô la » của các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ.
Trong cuộc họp báo tại Washington, ông William Brownfield, phụ trách hợp tác tư pháp quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định, Bogachev « có thể là tội phạm tin học lớn nhất trên thế giới ».
Phó Vụ trưởng Vụ tin học Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI), ông Joseph Desmarest, cho biết, một ngân hàng ở Florida có một máy tính bị nhiễm virus « GameOver Zeus » đã bị mất 7 triệu đô la trong một tài khoản của mình, vào năm 2012.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Bogachev, năm nay 31 tuổi, dường như sống tại Nga. FBI đã chuyển những thông tin liên quan đến cơ quan an ninh Nga FSB.
Cuộc điều tra tư pháp về phần mềm tin tặc « GameOver Zeus » đã bắt đầu cách nay hai năm, tại Pennsylvania (phía đông nước Mỹ). Ngày 23/05/2014, cảnh sát đã cắt được các đường liên lạc giữa những máy tính bị nhiễm virus và mạng phát tán « GameOver Zeus ».
Giới chuyên gia tin học giải thích, phần mềm tin tặc nói trên có khả năng lấy các thông tin ngân hàng, những số liệu nhân diện trên mạng và điều khiển được các máy tính bị nhiễm virus tham gia vào một mạng lưới tội phạm mà chủ nhân máy tính không hề biết.
Theo FBI, phiên bản đầu tiên của « GameOver Zeus » xuất hiện vào năm 2007.
Trong quá trình điều tra, FBI còn phát hiện ra là Evgueni Bogachev đã sử dụng phần mềm « Cryptolocker », giải mã những dữ liệu đánh cắp được trên các máy tính bị nhiễm virus, rồi sau đó, đòi chủ máy phải nộp tiền chuộc để lấy lại các dữ liệu này.
Tại tiểu bang Pennsylvania, Bogachev bị cáo buộc tiến hành tin tặc, lừa đảo tài chính và ngân hàng, rửa tiền.
Hơn một chục nước tham gia vào cuộc điều tra của FBI, như Úc, Hà Lan, Anh Quốc, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Luxembourg, Nhật Bản…
Giải thưởng 3 triệu đô la được đưa ra trong khuôn khổ chương trình đấu tranh chống tội phạm có tổ chức quốc tế của Mỹ được tiến hành từ năm 2011. Trong hai năm thực hiện chương trình này, Mỹ đã chi hơn 20 triệu đô la tiền thưởng.