Matt Mahan

ads header

Breaking News

Thảm sát Charlie Hebdo: 1 nghi phạm đầu thú.

Ảnh truy nã hai anh em nghi phạm Chérif Kouachi (trái) và Saïd Kouachi trong vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo ngày 7/1/2015 do Bộ Nội vụ Pháp công bố. Nguồn: securité.interieur.gouv.fr
Một trong ba nghi phạm tấn công tòa báo Charlie Hebdo bị tạm giam

Vào 23 giờ đêm ngày 07/01/2015, một trong ba nghi phạm vụ thảm sát nhắm vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo tại Paris đã ra trình diện cảnh sát thành phố Charleville-Mézières, cách thủ đô Paris hơn 200 cây số về phía đông bắc. Mourad Hamyd, 18 tuổi, có liên hệ gia đình với hai nghi phạm chính trong vụ khủng bố tại Paris là hai anh em Chérif và Saïd Kouachi. Cả hai đang bị cảnh sát truy nã.

Từ đêm hôm qua, cảnh sát Pháp đã phổ biến rộng rãi chân dung hai nghi phạm chính trong vụ khủng bố tấn công nhắm vào tòa soạn của tờ Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng và hơn một chục người bị thương.

Hai nghi phạm chính Saïd và Chérif Kouachi, 34 và 32 tuổi. Cả hai mang quốc tịch Pháp. Năm 2008 Chérif từng bị kết án vì tội tham gia một đường dây thánh chiến tại Irak. Nghi phạm thứ ba trong vụ khủng bố đẫm máu ở Paris  đang bị cảnh sát truy lùng là một thanh niên 18 tuổi, Mourad Hamyd. Nhân vật này vào đêm qua đã tự động đến trình diện cảnh sát tại Charleville-Meières, vùng Ardennes, miền đông bắc nước Pháp.

Các nguồn tin cảnh sát cho hay, Hamyd đang bị tạm giam. Mourad Hamyd là em vợ của Chérif Kouachi và bị nghi là đã giúp đỡ hai anh em nhà Kouachi thực hiện vụ khủng bố ở Paris.

Tuy nhiên, một số nguồn tin thông thạo cho hay, Hamyd trình diện cảnh sát do thấy tên mình trên các mạng xã hội. Nhiều nhân chứng xác nhận là vào lúc tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris bị tấn công, Mourad Hamyd đang đi học.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls sáng nay 08/01/2015 cho biết, hiện thời có 7 người đang bị tạm giam. Tất cả đều có liên hệ với hai anh em nhà Kouachi. Ngoài Mourad Hamyd, 4 bốn người bị câu lưu ở thành phố Reims nơi Chérif và Saïd Kouachi từng sinh sống. Cảnh sát đang ráo riết truy lùng hai anh em nhà Kouchi tại Gennevilliers, ngoại ô phía tây bắc Paris, Pantin – đông bắc Paris và kể cả tại một số thành phố nơi các nghi phạm từng đi qua, như ở Strasbourg hay Reims.

Pháp để quốc tang tưởng niệm các nạn nhân vụ Charlie Hebdo
media
Cờ rũ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công Chearlie Hebdo treo trên phủ tổng thống Pháp ngày 8/1/2015. REUTERS/Philippe Wojazer
Hôm nay 08/01/2015 toàn nước Pháp để tang một ngày và treo cờ rũ ba hôm tưởng niệm 12 nạn nhân bị sát hại trong vụ tấn công vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris hôm qua.

Sáng nay Quốc hội Châu Âu treo cờ rũ và dành một phút mặc niệm, Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện trong thánh lễ buổi sáng. Tối qua trên 100.000 người xuống đường tại khắp nước Pháp, nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại các thành phố Châu Âu.

Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua trên truyền hình đã tuyên bố tiến hành quốc tang, quyết định hôm nay đã được đăng trên Công báo. Sự kiện này hiếm khi diễn ra : Đây là lần quốc tang thứ năm kể từ khi thành lập nền Đệ ngũ cộng hòa Pháp.

Toàn quốc treo cờ rũ trong ba ngày, và phút mặc niệm vào đúng 12 giờ trưa nay đã diễn ra tại tất cả công sở, trường học, công ty. Cũng vào thời điểm này, hệ thống xe điện ngầm, tramway và xe buýt tại Paris và tạm ngừng hoạt động trong một phút để tưởng niệm.

Đúng ngọ, Nhà thờ Đức Bà Paris cho kéo những hồi chuông cầu nguyện, tiếp theo là thánh lễ cầu cho các nạn nhân và gia đình. Cùng lúc đó, một buổi lễ vinh danh và tưởng niệm diễn ra tại Quốc hội Pháp. Tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ sáng nay kêu gọi : « Hãy cầu nguyện bây giờ cho các nạn nhân của sự tàn bạo, quá nhiều nạn nhân ! Cầu nguyện cả cho những kẻ dã man, để Chúa Trời thay đổi trái tim của họ ». Sau đó ngài gởi thông điệp Twitter « Cầu nguyện cho Paris » bằng tất cả các thứ tiếng.

Quốc hội và nhiều định chế Châu Âu treo cờ rũ, dành một phút mặc niệm các nạn nhân vụ khủng bố Charlie Hebdo. Tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg, hàng trăm dân biểu và nhân viên tham dự buổi lễ tưởng niệm, câu khẩu hiệu « Tôi là Charlie » được chiếu sáng trên mặt tiền tòa nhà. Còn trước trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Bruxelles, tất cả 28 lá cờ màu xanh mang 12 ngôi sao vàng của Liên Hiệp Châu Âu đều rũ xuống, phút mặc niệm diễn ra tại đây và tại Hội đồng Châu Âu.

Trên toàn nước Pháp tối qua, hơn 100.000 người đã xuống đường để vinh danh các nạn nhân và lên án vụ khủng bố. Tại Paris, theo số liệu của cảnh sát có 35.000 người đủ mọi lứa tuổi tập hợp tại quảng trường République, gần tòa soạn Charlie Hebdo, theo lời kêu gọi của nhiều nghiệp đoàn, hiệp hội, các phương tiện truyền thông và đảng chính trị. Nhiều chính khách cũng tham gia cuộc biểu tình trong đó có Chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone, Bí thư thứ nhất đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadélis…Đô trưởng Paris Anne Hidalgo loan báo ý định phong « Charlie Hebdo » làm công dân danh dự của thủ đô.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố Châu Âu, từ Berlin, Bruxelles, Madrid cho đến Luân Đôn, Thụy Sĩ, Vienna, La Haye, Stockholm. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua đã chia buồn với nhân dân Pháp bằng một thứ tiếng Pháp rất chuẩn. Nhiều tiếng nói cất lên từ Hollywood kêu gọi bảo vệ tự do ngôn luận.

Còn trước tòa soạn Charlie Hebdo, người dân Paris tiếp tục mang hoa và nến đến đặt trước các bức chân dung khổ lớn của bốn họa sĩ tên tuổi bị sát hại.

Charlie Hebdo sẽ hồi sinh tuần tới với một triệu ấn bản
media
Tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo chụp ngày 9/2/ 2006. REUTERS/Regis Duvignau

« Tuần báo Charlie Hebdo sẽ xuất bản vào thứ Tư tuần tới với số lượng phát hành một triệu ấn bản » so với tirage hiện nay chỉ có 60.000. Luật sư của tờ báo, ông Richard Malka 08/01/2015 cho AFP biết như trên. Số báo tới sẽ có 8 trang thay vì 16 trang như bình thường.

Ê-kíp sống sót sau vụ thảm sát gồm khoảng 12 người sáng nay họp tại tòa soạn nhật báo Libération, nơi cho đặt nhờ trụ sở, để bắt đầu làm việc. Luật sư Richard Malka nhấn mạnh : « Cần phải cho ra đời số báo mới, đây là phương cách tốt nhất để vinh danh những người đã bỏ mình, và chứng tỏ rằng họ không giết được chúng tôi. Đó sẽ là số báo của những người sống sót ».

Mười hai người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố hôm qua, trong đó có năm họa sĩ nổi tiếng của tuần báo. Ngoài nhật báo Libération, Charlie Hebdo còn nhận được sự giúp đỡ của các tập đoàn truyền thông Canal+ và Le Monde.

Từ sau vụ thảm sát hôm qua, tờ báo đã nhận được vô số đề nghị hỗ trợ dưới dạng giúp đỡ tài chính, đặt mua báo hay tặng trang thiết bị. Những người có trách nhiệm của Charlie Hebdo chiều nay gặp gỡ các cơ quan truyền thông đã ngỏ lời muốn trợ giúp, nhằm cụ thể hóa các dự án này.

Số báo ra hôm thứ Tư 7/1, đúng vào ngày bị khủng bố, hiện nay đã hết sạch trên các quầy báo và đang được rao bán trên internet với giá rất đắt, nhất là trên trang e-Bay.

Để có thể độc lập quan điểm, Charlie Hebdo hoàn toàn không nhận quảng cáo cũng như tài trợ của Nhà nước. Trước vụ tấn công, Charlie Hebdo đang bên bờ vực phá sản và có nguy cơ phải đình bản, do số lượng bán không đủ bù chi phí. Tờ báo chỉ bán được có 30.000 bản, tức phân nửa số lượng phát hành, trong khi cần phải bán được 35.000 mới có thể cân bằng thu chi. Hồi tháng 11/2014, Charlie Hebdo đã kêu gọi đóng góp nhưng chỉ thu được vài chục ngàn euro vào cuối năm, so với kỳ vọng là một triệu euro.

Được bán với giá 3 euro, tờ báo đã thu được 60.000 euro tiền quyên góp sau khi tòa soạn bị đốt cháy trong vụ tấn công đầu tiên năm 2011, sau khi xuất bản số báo được đặt tên là « Charia Hebdo » (nhại theo luật charia Hồi giáo).