Matt Mahan

ads header

Breaking News

Pháp: Tranh luận V/v xét xử khẩn cấp các vụ cổ xúy khủng bố

Nhà tù Fleury-Merogis ở gần Paris.
Từ sau loạt khủng bố tại Paris, tư pháp của Pháp đã xét xử rất nhiều vụ với tội danh cổ xúy khủng bố, và tuyên các bản án nghiêm khắc. Trong bối cảnh đó, một bộ phận công luận Pháp tỏ ra lo ngại về nguy cơ xét xử vội vàng, bị chi phối do tình hình khẩn cấp, xúc cảm mạnh, và điều này có thể vi phạm đến quyền tự do ngôn luận.

Ngày hôm qua, 20/01, tư pháp cho hãng tin AFP biết : « Kể từ sau vụ khủng bố ở tuần báo Charlie Hebdo ngày 07/01, đã có 251 vụ tố tụng hình sự » và « trong số này, có 117 vụ với tội danh cổ xúy khủng bố, kích động hận thù hoặc bạo lực vì lý do chủng tộc hoặc tôn giáo ». Có 77 người đã bị đưa ra xét xử khẩn cấp, 39 bản án đã được tuyên trong đó có 28 án tù giam, 20 người bị bắt giam thi hành án ngay sau phiên xử. 22 người khác được triệu tập ra trước tòa hình sự.

Bộ trưởng Tư pháp, bà Christiane Taubira, đã cảnh cáo là trên nền tảng Nhà nước pháp quyền, tư pháp tiếp tục hành động có hiệu quả, luôn luôn trung thành với các giá trị của mình. Tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp đã gửi thông tư tới các Chưởng lý đề nghị có thái độ kiên quyết, đặc biệt là đối với những kể cổ xúy khủng bố.

Thế nhưng, đã có những tiếng nói lo ngại về tình trạng này, đặc biệt từ phía các công đoàn cánh tả.

Công đoàn các thẩm phán (Syndicat de la Magistrature – SM), hôm qua, kêu gọi tư pháp « hãy tỏ ra điềm tĩnh » và « kháng cự lại những thúc bách trấn áp tức thời ».

Theo công đoàn này, từ vài ngày qua, các thủ tục xét xử khẩn cấp liên tiếp diễn ra, tại đó, người ta đánh giá, xem xét bối cảnh, để ý một chút hoàn cảnh xẩy ra các việc, rất ít chú ý tới nhân thân bị cáo. Những người này bị xét xử không phải vì đã tổ chức biểu tình ủng hộ các thủ phạm khủng bố, soạn thảo, phổ biến rộng rãi các tài liệu lập luận ủng hộ khủng bố, tham gia vào các mạng lưới. Thế nhưng, những người này, do say rượu hoặc bốc đồng, đã gào thét, hò hét và thực ra, đó là một dạng của tội thóa mạ, lăng nhục, được cập nhật trong hoàn cảnh hiện nay.

Công đoàn các thẩm phán cho rằng « hơn bao giờ hết, khi nỗi sợ hãi xâm chiếm chúng ta, làm thay đổi các điểm tham chiếu, thì tư pháp cần phải tỏ ra điềm tĩnh và kháng cự lại làn sóng xúc cảm ».

Về phần mình, Chủ tịch Công đoàn các luật sư Pháp (SAF), ông Jean-Jacques Gandini, bổ sung : « Cần phải chú ý, không nên hành động do căng thẳng hoặc xúc động » và lo ngại trước việc tư pháp « tuyên án tù giam đối với những trường hợp ăn nói hớ hênh ».

Trên mạng xã hội Twitter, luật sư Eolas, một trong những blogger có uy tín trong lĩnh vực tư pháp mỉa mai : « Chính phủ đang tranh thủ vụ Charlie để bỏ tù chỉ vì những từ ngữ. May thay, đứng trước mối đe dọa khủng bố, tư pháp trừng trị trượt mục tiêu ngay lập tức và nghiêm khắc ». Vị luật sư này còn khuyên các đồng nghiệp từ chối thủ tục xét xử khẩn cấp tội cổ xúy khủng bố và yêu cầu tư pháp cho thời gian.

Theo cựu Chủ tịch Đoàn luật sư Paris, luật sư Jean-Yves Le Borgne, « Viện Kiểm sát khuyến cáo cần phải cứng rắn, đó là bình thường. Giờ đây, nếu các thẩm phán không tiến hành phân biệt các mức độ nghiêm trọng, thì điều này quả là nghiêm trọng. Viện Kiểm sát có thể bốc hỏa nhưng chính thẩm phán phải làm dịu xuống ». Luật sư này nhấn mạnh, « tình hình căng thẳng như hiện nay không biện minh cho sự mù quáng ».

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lên tiếng về việc này, theo đó, các Nhà nước có trách nhiệm cấm kêu gọi hận thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Nhưng các vi phạm được định nghĩa một cách mơ hồ như cổ xúy khủng bố, có nguy cơ dẫn đến hình sự hóa những lời nói hoặc các hình thức ngôn luận khác nhau ; những lời nói này mặc dù gây sốc cho nhiều người, nhưng không tới mức cấu thành tội kích động bạo lực hoặc phân biệt chủng tộc.

Ông John Dalhuisen, Giám đốc chương trình Châu Âu và Châu Á của Ân xá Quốc tế lưu ý : « Tự do ngôn luận không phải chỉ dành cho một số người. Cách thức chính quyền Pháp phản ứng sau các vụ giết người vừa qua là một trắc nghiệm quyết định » về quyết tâm của nước Pháp bảo đảm tôn trọng nguyên tắc mọi người có quyền như nhau.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls, ngày 19/01 vừa qua, nói rằng ông muốn thấy có các cuộc tranh luận khắp nơi trên nước Pháp để làm rõ sự khác biệt giữa tự do ngôn luận và các tội cổ xúy khủng bố, phân biệt chủng tộc, bài Do thái, phủ nhận diệt chủng.