Mỹ đã xâm nhập internet Bắc Hàn trước vụ Sony bị tấn công
Kim Jong-Un trắc nghiệm một máy vi tính |
Tài liệu mới được giải mật của NSA tiết lộ điều này. NSA đã “luồn” vào trong các hệ thống mạng của Trung Quốc, là con đường nối Bắc Hàn với thế giới bên ngoài, chui qua những mối nối kết ở Malaysia mà hackers Bắc Hàn ưa thích, và xâm nhập thẳng vào hệ thống của Bình Nhưỡng với sự giúp đõ của Nam Hàn và các đồng minh khác.
Từ mối lo ngại về khả năng lớn mạnh nhanh chóng của Bắc Hàn, một chương trình bí mật của NSA đã tìm cách đặt nhu liệu gián điệp để theo dõi hoạt động của tất cả mọi máy vi tính và các hệ thống mạng do lực lượng hacker Bắc Hàn sử dụng.
Nam Hàn ước lượng đơn vị hacker này có quân số khoảng 6 ngàn người, hầu hết do cơ qua tình báo chính của Bắc Hàn, gọi là Tổng cục Do thám, và đơn vị bí mật 121 chỉ huy, với cơ sở lớn tại Trung Quốc.
Chính những chứng cớ do những “đài báo động sớm” bằng nhu liệu nằm vùng theo dõi hoạt động của Bắc Hàn đã thuyết phục được Tổng thống Obama lên án chính chủ tịch Kim Jong-Un đã ra lệnh phá hoại mạng internet của Sony Pictures. Tổng thống Mỹ vốn thận trọng và chưa từng chính thức kết án nước nào khác tấn công mạng vào Hoa Kỳ, nhưng lần này, theo một sĩ quan cao cấp của Mỹ cho biết, Tổng thống Obama không còn nghi ngại điều gì khi lên án và tăng gia cấm vận Bắc Hàn.
Khoảng mươi năm nay Hoa Kỳ đã đặt những hệ thống báo động có khả năng lập được đồ bản một hệ thống mạng vi tính, đặt cả những nhu liệu giám sát, hoạ hoằn lắm còn gài đặt cả nhu liệu “sát thủ” vào hệ thống vi tính của quốc gia địch thủ. Chính phủ Mỹ đã chi hằng tỉ đô la vào kỹ thuật thiết yếu đối với Mỹ và Israel để tấn công hệ thống mạng điều hành máy tinh luyện uranium của Iran. Những tài liệu bị Edward Snowden tiết lộ trước đây còn cho thấy tầm mức sâu rộng mà những nhu liệu này được bố trí để chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên đối với Bắc Hàn, là nước vẫn được coi như một cái “lỗ đen” về phương diện thu thập tin tình báo, các viên chức Mỹ không chịu nói chuyện công khai về việc Washington dùng kỹ thuật nào để xác định chính quyền Bắc Hàn đã ra lệnh tấn công vào mạng internet của Sony Pictures.
Nhưng tại sao sự thành công của NSA khi xâm nhập mạng internet Bắc Hàn lại không giúp cơ quan này phát hiện ngay đợt tấn công đầu tiên của hacker Bắc Hàn? Chuyên viên Bắc Hàn đã gài sẵn được nhu liệu gián điệp để tấn công vào hệ thống của Sony từ hồi đầu tháng 9. Chi cần nhân viên Sony bấm vào một chuỗi link xem ra rất bình thường, nhu liệu khởi sự tấn công đánh sập cả hệ thống Sony, lấy đi những tác phẩm mới trị giá hằng trăm triệu, cùng với mọi chi tiết lý lịch nhân thân và tài sản của mọi nhân viên Sony.
Tuy nhiên theo kết quả điều tra thì cuộc tấn công này không có vẻ gì bất thường. Chỉ đến khi điều tra mổ xẻ lại từ đầu, chuyên viên mới xác định rằng hacker Bắc Hàn đã đánh cắp được các chìa khoá vi tinh của một nhân viên quản trị hệ thống của Sony, cho phép hacker dạo khắp hang cùng ngõ hẻm của hệ thống này. Bắc Hàn đã bỏ ra hơn hai tháng, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11, để xác định căn cước các hồ sơ chủ yếu, và lập kế hoạch để phá huỷ các máy vi tính cùng với các máy chủ.
Một viên chức nói về cuộc điều tra cho biết hacker đối thủ rất thận trọng và kiên nhẫn. Và mặc dù nhìn vào được các hoạt động của Bắc Hàn, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cũng không ngờ được mức nghiêm trọng của trận tàn phá khi cuộc tấn công khởi sự vào ngày 24 tháng 11, 2014.
Trên thực tế, khi Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ (DNI), tướng James Clapper Jr. bí mật đi Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 9 để thương lượng giải thoát cho hai người Mỹ đang bị cầm tù, ông cũng không nói tới Sony hay chiến dịch hacking đang lớn mạnh của Bắc Hàn. Các giới chức liên quan đến vụ Sony cho biết như vậy. Và trong một bài nói chuyện mới đây tại đại học Fordham, New York, tướng Clapper nhìn nhận rằng người Bắc Hàn mà ông từng nói chuyện gay gắt trong bữa dạ tiệc trên 12 món tại Bình Nhưỡng, tướng Kim Yong-Chol, chỉ huy trưởng Tổng cục Do Thám, vềsau là người có trách nhiệm giám sát cuộc tấn công Sony Pictures. (Một chi tiết ngộ nghĩnh: Tướng Clapper ca ngợi bữa tiệc ngon; về sau phía Bắc Hàn đưa cho ông hoá đơn phần ông phải trả tiền cho bữa tiệc!) Phát ngôn viên của Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper nói vị tướng không biết sẽ gặp người tương nhiệm phía Bắc Hàn, và mục đích chuyến công tác của ông chỉ nhằm bảo đảm cho hai công dân Hoa Kỳ được phóng thích. Vì tính cách tế nhị của việc phải giành được sự phóng thích hai người Mỹ, tình báo quốc gia Hoa Kỳ chỉ chú trọng vào nhiệm vụ đó không muốn làm lạc hướng mọi thành tựu vì thảo luận chuyện khác. Tuy nhiên tướng Claaper có nhận thức được khả năng tăng tiến của Bắc Hàn.
Một sĩ quan lập trình viên của quân đội Bắc Hàn đào tị sang Nam Hàn năm 2007, Jang Sae-Yul, nói Bắc Hàn xây dựng được tài nghề xâm nhập quấy phá trên mạng rất đáng sợ; họ đã trải qua gần 30 năm chuẩn bị, học hỏi về vi tính, liên mạng, làm sao để hacking và chỉ hacking mà thôi, làm sao nhắm mục tiêu vào một số quốc gia đặc biệt. Những người đào tị từ Bắc Hàn cho biết Trung Quốc huấn luyện cho Bắc Hàn đoàn ngũ các chuyên viên hacking. Bắc Hàn không có nhiều đường nối với thế giới nên hacker Bắc Hàn làm hầu hết công việc của họ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên trận tấn công tinh vi vào công ty Sony khiến nhiều chuyên viên nghi ngờ Bắc Hàn không phải là thủ phạm, hay ít nhất cũng không phải thủ phạm đơn độc. Nhiều người cho rằng những bằng chứng do giám đốc FBI James Conney trưng ra không đủ sức thuyết phục. Ông Conney cũng tuyên bố tại buổi hội thảo ở đại học Fordham rằng Bắc Hàn khá vụng về trong việc che dấu vết tích hành động, hacker nhiều khi liên lạc trực tiếp với nhau và FBI đã thấy rõ ràng. Ông cũng nói có nhiều bằng chứng khác không thể đem ra vào lúc đó. Giám Đốc Cơ quan An ninh quốc gia , Đô đốc Michael Rogers, cũng nói tại cuộc hội thảo rằng sau khi duyệt qua các tài liệu mật, ông rất tin tưởng là Bắc Hàn đã ra lệnh hành động trong vụ Sony.
Nhưng tại sao người Mỹ "nằm vùng" trong hệ thống internet Bắc Hàn mà vẫn không ngăn cản được cuộc tấn công Sony Pictures? Chưa có câu trả lời thoả đáng.