Matt Mahan

ads header

Breaking News

Cộng Hòa, Dân Chủ đấu nhau, CIA lãnh đủ


Trại giam Guantanamo:
Cộng Hòa, Dân Chủ đấu nhau, CIA lãnh đủ 


1* Mở bài

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Tổng thống George W. Bush cho thành lập trại giam Guantanamo để giam giữ tội phạm khủng bố chủ yếu là Al Qaeda.

Cơ quan Tình báo Trung ương CIA phụ trách thẩm vấn tù nhân và nghi can trong trại đó. Nhà thầu Mitchell, Jessen & Associates cung cấp kỹ thuật thẩm vấn gọi là “kỹ thuật thẩm vấn tăng cường” (Enhanced interrogation techniques) bao gồm những tra tấn cực hình như trấn nước, không cho ngủ, đặt thân thể vào những vị trí căng thẳng, khủng bố tinh thần…

Tin tức lọt ra ngoài, dư luận cho rằng những kỹ thuật tra tấn do CIA thực hiện là tàn bạo, vô nhân đạo.

Tổng thống Dân Chủ Barack Obama chủ trương đóng cửa trại giam đó, nhưng bị các dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hoà ở Quốc Hội chống đối.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng Viện, TNS Dân Chủ, bà Dianne Feinstein cho tiến hành một cuộc điều tra về những biện pháp thẩm vấn do CIA thực hiện. Thế là CIA bị kéo vào vòng tranh chấp của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

Trong năm qua tình hình đấu nhau rất căng thẳng tưởng chừng như chính phủ Dân Chủ bị đóng cửa. Cuộc chiến tranh chống khủng bố của Tổng thống Obama bị chỉ trích, nhất là phản đối việc đóng cửa trại giam Guantanamo.

Giám đốc John Owen Brennan cho rằng cơ quan CIA do ông lãnh đạo bị thương tổn bởi bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng Viện, bởi vì bản báo cáo được dựng lên như một công cụ đấu nhau về chính trị nội bộ. Dân Chủ, Cộng Hòa.

Tóm lại có thể nói Cộng Hòa, Dân Chủ đấu nhau, CIA lãnh đủ.



2* Thượng Viện Hoa Kỳ công bố báo cáo điều tra về kỹ thuật thẩm vấn của CIA ở trại giam Guantanamo

Ngày 8-12-2014, Mỹ bất ngờ siết chặt an ninh tại các sứ quán và các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới trước khi Thượng Viện công bố bản báo cáo dài 480 trang nói về kỹ thuật thẩm vấn bị cho là tàn bạo do CIA thực hiện tại trại giam Guantanamo, Cuba.

Ngày 9-12-2014, với số phiếu 11 thuận, 3 chống, Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện quyết định công bố một phần của tập tài liệu 6,300 trang đã được thu thập qua điều tra về biện pháp thẩm vấn nghi phạm khủng bố trong thời gian 5 năm từ 2001 đến 2006 tại trại giam Guantanamo.

Ngay lập tức những chỉ trích dấy lên tại Thượng Viện và trong dư luận, cho rằng tra tấn như thế là phi đạo đức.

Cơ quan Tình Báo Trung Ương CIA phản công bằng một bản tuyên bố 136 trang, cho rằng nhờ tra tấn những tội phạm khủng bố mà các cơ quan tình báo đã phát hiện ra những âm mưu khủng bố, cụ thể nhất là xác định được nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama bin-Laden tại trị trấn Abbottabad, Pakistan.

Cựu Bộ trưởng Quốc Phòng, cựu giám đốc CIA, Leon Panetta thừa nhận rằng nhờ tra khảo hai nhân vật cao cấp của tổ chức khủng bố Al Qaeda là Khaleh Sheikh Mohammed và Abu Farah al-Libi đã cho biết tên của người đưa tin (giao liên) thân cận nhất của Bin Laden tên Ahmed al-Kuwaiti, từ đó phăng ra được chỗ ở của tên trùm khủng bố nầy.

3* Trại giam Guantanamo

3.1. Tổng quát về trại Guantanamo


Trại Guantanamo nằm trong căn cứ trước kia của Hải Quân Hoa Kỳ ở Vịnh Guantánamo, phía đông Cuba.

Là một trại giam chứa những tù binh và những người bị tình nghi là khủng bố. Trại có ba phần: Trại Delta bao gồm trại Echo, Trại Iguana và Trại X-Ray. Sau nầy X-Ray đóng cửa. Trại giam Guantanamo còn được gọi là Trại Gitmo đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư Lệnh phía Nam (United States Southern Command-USSOUTHCOM) và sự điều tra của CIA.

Bắt đầu chiến tranh Afghanistan trại nầy giam giữ 775 người. Sau đó 420 người được thả, còn lại 355 người.

Đến ngày 9-8-2007, 71 người trong tổng số 355 được thả. Họ được quyền ra khỏi trại, nhưng chính phủ Mỹ gập khó khăn là các quốc gia liên hệ từ chối, không nhận lại những nghi can khủng bố mang quốc tịch của nước họ.

3.3. Vịnh Guantánamo

Vịnh Guantánamo là một bến cảng lớn nhất của đảo Cuba. Những ngọn đồi dốc đứng bao quanh tạo thành một vị trí biệt lập với đất liền của Cuba.


Hoa Kỳ kiểm soát vịnh nầy theo hiệp ước cho phép Mỹ thuê mướn vĩnh viễn. Chính phủ Cuba hiện tại cho rằng Mỹ đã dùng vũ lực khống chế nên vi phạm luật quốc tế.

Căn cứ Hải Quân Mỹ tại vịnh Guantanamo được thành lập năm 1898. Kể từ năm 2002 căn cứ nầy được xử dụng để giam giữ tù binh Afghanistan và nghi can khủng bố khắp thế giới, nhưng không có tù Iraq.

4* Những kỹ thuật tra tấn

4.1. Dùng kỹ thuật “chống tra tấn” để tra tấn tù ở trại Guantanamo

Trại giam Guantanamo áp dụng kỹ thuật thẩm vấn tăng cường (Enhanced interrogation techniques) do nhà thầu Mitchell, Jessen & Associates cung cấp cho CIA.


Bruce Jessen là nhà tâm lý học hàng đầu của Bộ Quốc Phòng Mỹ, đã từng giảng dạy binh sĩ lực lượng đặc biệt về kỹ thuật chịu đựng và chống lại tra tấn. Kỹ thuật thẩm vấn tăng cường gồm có 20 kỹ thuật nâng cao như trấn nước, không cho ngủ và thân thể bị đặt vào tình trạng ở vị trí căng thẳng…

4.2. Cho ăn bằng đường hậu môn

Những tù nhân tuyệt thực, nhất định không ăn không uống buộc phải đưa thực phẩm và chất dinh dưỡng bằng đường hậu môn, gọi là “ăn trực tràng”.



Tù nhân Majid Khan, gia nhập vào tổ chức khủng bố Al Qaeda sau khi tốt nghiệp trung học ở trường Baltimore (Hoa Kỳ) có âm mưu khủng bố tại các trạm xăng ở Mỹ. Khan thuật lại anh ta bị buộc phải đứng trong tư thế khom mình về phía trước đầu cúi xuống thấp hơn thân mình, nói nôm na là “chổng khu” trong tư thế ổn định bằng một cái ghế đặc biệt gọi là “ghế cho ăn”.

Anh ta bị tòa án Mỹ kết án và đang ở tù tại trại giam Guantanamo.

4.3. Trấn nước

Khalid Shaykh Mohamad nghi can chính trong vụ khủng bố 9.11, bị CIA trấn nước 183 lần
 Trấn nước là hình thức tra tấn mà nạn nhân bị trói chặt, mặt và miệng được phủ lên một tấm vải rồi đổ nước liên tục làm cho nạn nhân bị ngạt thở, phải hít nước vào tạo ra cảm giác như đang bị chết đuối.

Trước đó CIA tuyên bố là không xử dụng hình thức tra tấn bằng nước thế nhưng Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ đã phát hiện những tấm hình về căn phòng dùng để tra tấn tội nhân bằng nước.

Khalid Shaykh Mohamad, người đã lên kế hoạch cuộc tấn công ngày 11-9-2001, cho biết anh ta bị trấn nước 183 lần, nhiều đến mức con người có cảm giác rằng đang bị chết đuối. Trong tình trạng đó bản năng sinh tồn thể hiện, đưa đến việc muốn thoát khỏi chết đuối bèn cung khai để sống còn.

4.4. Không cho ngủ



Một hình thức tra tấn khác được xử dụng là không cho ngủ, phải thức liên tục trong 180 giờ như sau:

- Trói bị can trong tư thế đứng trong suốt 17 ngày.

- Xích tay vào song sắt suốt 22 giờ mỗi ngày trong nhiều ngày liên tục.

- Redha al-Najar, cụu cận vệ của Bin Laden được tìm thấy khi đang đội mũ trùm đầu với những chiếc đồng hồ báo thức chung quanh, mục đích không cho ngủ.

4.5. Hạ thân nhiệt

Một hình thức nữa là làm hạ thân nhiệt. Gul Rahman, thành viên của tổ chức khủng bố Afghanistan có tên là Hezb-e Islami. Tù nhân bị cởi bỏ hết quần áo, cho nằm trên sàn bê tông. Ngày hôm sau phát hiện đã chết. Khám nghiệm tử thi kết luận, cái chết do thân nhiệt bị giảm. Cái chết là do cơ thể không chịu đựng nổi biện pháp điều tra chớ không phải chủ trương giết người bằng phương pháp nầy.

4.6. Khủng bố tinh thần

Nhân viên điều tra cho nạn nhân biết là thân nhân của họ bị làm hại như đang bị giam trong những chiếc hộp nhỏ đặt trong phòng tối với tiếng nhạc kích động ồn ào được phát ra liên tục và họ có thể bị lạm dụng tình dục. Đó là màn đe dọa tâm lý để bị can hợp tác mà cung khai.

5* CIA chiêu dụ tù nhân làm gián điệp hai mang

5.1. Chiêu dụ

Trong những năm đầu sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, CIA đã chiêu dụ nhiều tù nhân ở trại Guantanamo, huấn luyện rồi gởi họ vào Mỹ giúp giết những tên khủng bố khác. Thành phần tuyển chọn phải có mối quan hệ tốt với Al Qaeda.

Hãng tin AP (Associated Press) dẫn nguồn tin thông thạo cho biết, CIA hứa hẹn trả tự do cho những tù nhân nầy, bảo vệ gia đình họ và trả hàng triệu đô la từ các trương mục bí mật của CIA.

Những tù nhân bằng lòng cộng tác thì được đưa về sống trong 8 căn nhà nhỏ gọi là Penny Lane, gần văn phòng điều hành trại vài trăm mét. Những phòng đầy đủ tiện nghi: có bếp, nhà tắm riêng, giường có nệm và cả phim sex nữa… các nhân viên CIA gọi đùa đó là khách sạn Marriott. Sau khóa huấn luyện họ được cấp giấy tờ là sinh viên hoặc doanh nhân, được cấp visa nhập cảnh vào Hoa Kỳ làm gián điệp.

Giới chức CIA cho biết có nhiều may rủi trong nổ lực nầy, vì một số có thể phản bội sau khi thả và tiếp tục chiến đấu chống Mỹ. Mối lo ngại lớn nhất là họ sẽ hành động như một gián điệp hai mang, một mặt tấn công Mỹ rồi sau đó công khai là một điệp viên được CIA trả lương.

5.2. Những lý do hợp tác với CIA

Có nhiều lý do để hợp tác.

- Có người được CIA hứa sẽ đưa gia đình họ sang sinh sống ở Mỹ.

- Có người tin rằng Al Qaeda làm ô danh Hồi Giáo và coi đó là nhiệm vụ phải giúp Mỹ tiêu diệt al-Qaeda.

- Có người hợp tác sau khi bị đe dọa sẽ làm hại con cái họ.

Tất cả những người nầy được hứa hẹn cho nhiều tiền, con số chính xác là bao nhiêu thì còn nằm trong vòng bí mật, nhưng nói chung lên tới hàng triệu đô la.

Hãng AP cho biết chương trình nầy chấm dứt vào năm 2006.

6* Các nhà tù bí mật của CIA ở nước ngoài

6.1. Vì sao phải lập nhà tù bí mật ở nước ngoài?

Việc moi tin tức bằng thẩm vấn là nhu cầu cần thiết trong các cuộc chiến tranh. Cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ có rất nhiều phức tạp vì phải đương đầu với những tổ chức khủng bố của người Á Rập Hồi Giáo cực đoan. Họ cuồng nhiệt tin tưởng rằng chết vì thánh chiến, tử vì đạo là tỏ lòng trung thành với đấng Allah của họ. Họ không sợ chết.

Việc giam giữ tù nhân ở những nhà tù bí mật là bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Luật pháp Mỹ công nhận can phạm phải có luật sư bào chữa hoặc tự bào chữa và phải được xử công khai. Vì thế cơ quan Tình Báo Trung Ương CIA phải lập những trại giam ở ngoài nước Mỹ.

Vì sao phải bí mật?

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (The Universal Declaration of Human Rights) công nhận các quyền căn bản của con người bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền an toàn thân thể…Đa số các quốc gia đều ký kết và thi hành nội dung của bản tuyên ngôn nầy.

Đó là lý do khiến cho CIA phải lập những nhà tù bí mật.

Những náo loạn sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, cơ quan Tình Báo Trung Ương CIA đã nhanh chóng âm thầm thiết lập những nhà tù bí mật ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ba ngày sau vụ 11 tháng 9, văn phòng chống khủng bố CIA Cofer Black đã gởi một thông điệp bí mật đến các chi nhánh CIA ở nước ngoài yêu cầu lập một danh sách những địa điểm có thể dùng làm nơi giam giữ tù nhân.

Và cuối cùng, một hệ thống nhà tù bí mật được thành lập ở các nước như Thái Lan, Afghanistan, Ba Lan, Romania và Lithuania…

6.2. Nhà tù của CIA ở Thái Lan

Tháng ba năm 2002, Pakistan bắt được một nghi phạm Al Qaeda tên Abu Zubaida và giao lại cho CIA. CIA không muốn đưa tên khủng bố nầy đến trại Guantanamo để tránh việc phải báo cáo cho cơ quan Hồng Thập Tự Quốc Tế. Chỉ trong vài ngày sau, tù nhân nầy được đưa đến nhà giam bí mật ở Thái Lan, có bí danh là “mắt mèo”. Bí mật đến nổi Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao, sứ quán Mỹ ở Thái Lan đều không hay biết gì về việc nầy cả, chỉ trừ có Tổng thống và Phó Tổng thống được báo cáo về vụ việc nầy. Việc giữ bí mật được cho là “để tránh việc vô ý tiết lộ”.

Nhưng một bất ngờ xảy ra. Nhà tù bí mật nầy bị quan chức an ninh Thái Lan tiết lộ, CIA phải đóng cửa nhà giam nầy.

6.3. Các trại giam khác

Thế là Abu Zubaida và một nghi phạm khác tên al-Rahim al-Nashiri được chuyển đến nhà giam bí mật ở Ba Lan. Nơi giam tù nhân nầy nằm sau một biệt thự hai tầng thuộc trung tâm huấn luyện quân sự Ba Lan, cách thủ đô Warsaw ba giờ lái xe. Nhà tù nầy giam giữ 20 tù nhân từ năm 2002 đến 2005.

Ngoài Ba Lan, CIA còn có trại giam ở Bucharest (Romania) và một trại ở Lithuania.

Năm 2003, xảy ra vụ đụng độ nội bộ giữa đại sứ Mỹ ở Romania là Michael Guest và trưởng CIA. Đại sứ Guest phát hiện nhà tù và chuẩn bị báo cáo lên cấp trên, nhưng trưởng CIA cho biết làm như thế là không có hiệu quả nào cả, vì cả ngoại trưởng cũng không hay biết về việc nầy.

Đại sứ Mỹ đòi CIA phải đưa ra một văn bản có chữ ký của cố vấn an ninh quốc gia khi đó là bà Condoleezza Rice chứng nhận đây là nhà tù hợp pháp.

CIA phải dàn xếp nội vụ bằng cách nhờ Phụ tá Ngoại trưởng Richard Armitage can thiệp. Và ông Armitage buộc CIA phải thường xuyên báo cáo cho ông và cho Ngoại trưởng Colin Powell.

Ngoài ra, CIA còn gặp khó khăn với các cơ quan tình báo sở tại mà biện pháp giải quyết là đưa hàng chục triệu đô la để dàn xếp.

Một trường hợp khó khăn nữa là việc tiếp cận với các cơ sở y tế địa phương để phục vụ cho chương trình tra khảo.

Tại Lithuania một bịnh viện từ chối cho phạm nhân Mustafa Ahmad al-Hawasi nhập viện cấp cứu. Vì thế CIA phải trả nhiều triệu đô la để nhờ cơ quan thứ ba phục vụ về y tế.

Đài truyền hình Al Jazeera của chính phủ Qatar phát đi bằng tiếng Á Rập cho biết 10 nghi can cao cấp ở trại Echo của Guantanamo được chuyển đến một trại bí mật ở Rabat, Morocco.

Một số khác được chuyển đến trại giam trên đảo Diego Garcia, một đảo ở Ấn Độ Dương thuộc quyền quản lý của Anh Quốc, được Mỹ thuê lại.

Một số tù khủng bố được giao cho các cơ quan tình báo nước ngoài khác, và từ đó không ai biết số phận của họ ra sao cả.

Năm 2009, Tổng Thống Barack Obama ra lịnh đóng cửa các trại giam ở nước ngoài, trừ Guantanamo.

7* TT Obama chủ trương đóng cửa trại Guantanamo

Ngày 22-5-2009, đài Tiếng nói Tự do đưa tin, chỉ ba ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ loan báo quyết định đóng cửa trại giam Guantanamo. Ông nói: “Trại giam đã tạo ra một ấn tượng xấu cho nước Mỹ vì có nhiều tù nhân bị giam cầm quá lâu mà không đưa ra xét xử, cũng là nơi cho thấy những tù nhân bị tra tấn”. Ông Obama cho biết: “Trại giam là sự “tồn đọng” từ trước đã lưu lại một điểm đen trong nhiệm kỳ của ông”. Sự “tồn đọng” chỉ chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã để lại một điểm đen khó chịu mà ông phải gánh lấy. Đó là chỉ trích đảng Cộng Hòa.

Trong cuộc họp báo ngày 30-4-2013, Tổng thống Obama nhắc lại một lần nữa tỏ ý cương quyết đóng cửa trại giam. Ông nói: “Phải đóng cửa trại giam. Không thể giam giữ triền miên cả trăm người trong vùng cấm địa đó. Hành pháp sẽ làm việc trở lại với Hạ Viện Quốc hội để xem xét việc đóng cửa.

Việc đóng cửa nầy được nhắc lại trong bối cảnh mà khoảng 100 người trong tổng số 166 đã tuyệt thực hơn hai tháng (12 tuần lễ) để phản đối việc giam giữ họ quá lâu. Tổng thống Obama quy trách nhiệm cho Hạ Viện về tình hình nầy và một lần nữa sẽ nổ lực đóng của một trại giam vô ích đối với an ninh của nước Mỹ và quá tốn kém, 800 triệu đô la mỗi năm.

Ông đánh giá, trại giam đã gây tác hại cho hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới và đó là đề tài tuyên truyền mà những kẻ khủng bố nêu ra để tuyển mộ thành viên mới.

8* Tiết lộ của Wikileaks

Trang mạng Wikileaks tiết lộ, trong 780 người bị giam giữ ở trại Guantanamo thì chỉ có 220 người bị xếp vào thành phần khủng bố nguy hiểm, 150 tù nhân người Afghanistan và Pakistan là vô tội. Những người nầy bao gồm tài xế, nông dân, đầu bếp…họ bị bắt giữ trong chiến dịch “thu thập tin tức tình báo nơi chiến sự”.

Những người vô tội được thả, họ được tự do rời trại giam nhưng chính phủ Mỹ gặp khó khăn là đa số những quốc gia không chịu nhận những nghi can khủng bố mang quốc tịch của nước họ, vì thế những người vô tội phải chờ nhiều năm ở trong tại giam nầy.

9* Hạ viện Cộng Hòa chống việc đóng cửa trại Guantanamo

Hạ Viện Cộng Hòa chống chính quyền Dân Chủ trên nhiều lãnh vực, tình hình căng thẳng về ngân sách quốc gia đến nổi chính phủ trên bờ vực phải đóng cửa.

Đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ Viện. Chủ tịch Hạ Viện John Boehner (phát âm “bây nơ”) đã lên tiếng chỉ trích hành pháp Dân Chủ trên nhiều lãnh vực, trong đó chỉ trích chính sách chống khủng bố của Tổng thống Obama, đặc biệt là chống lại chủ trương đóng cửa trại giam Guantanamo.

Năm 2011, luật chi tiêu quốc phòng cấm chính phủ, không được đưa tù ở trại Guantanamo vào đất Mỹ mà cũng không cấp tiền để đưa tù nhân đến những nước khác, nói chung là không cho đóng cửa trại giam nầy, khiến cho trại giam tiếp tục hoạt động.

Ônh Buck McKeon (Cộng Hoà), nguyên Chủ tịch Ủy ban Vũ trang Hạ Viện tuyên bố: “Hành động mà chính quyền Obama đang làm rất nguy hiểm, nếu không muốn nói là “liều lĩnh”. Đã rất nhiều lần họ đã đặt vấn đề đảng phái lên trên an ninh quốc gia nhưng lần nầy thì phải chấm dứt việc đó, mà phải làm việc đúng đắn cho nước Mỹ. Chừng nào chúng ta còn chưa bảo đảm được khủng bố sẽ ngưng các hành động của họ, thì chúng phải ở sau song sắt”.

TNS Cộng Hòa Saxby Chamblis đã mạnh mẽ chống việc trả nghi can về quê hương họ, ông nói, trong số những người được trả về đó có 56 người Yemen, mà nước nầy là trung tâm phát xuất rất nhiều vụ tấn công vào Mỹ, cụ thể nhất là thanh niên Kenya tên Umar Farouk Abdulmutallab được huấn luyện đánh bom cho nổ chiếc phi cơ của hãng Northwest trong khi đang hạ cánh xuống phi trường Detroit trong ngày lễ Giáng Sinh năm 2009.

Tóm lại, việc trả tù nhân về quê hương họ rất nguy hiểm vì họ có thể tiếp tục tấn công vào nước Mỹ.

Tân TNS Cộng Hòa, Kelly Ayotte nói với chương trình Fox News, phải chấm dứt việc chuyển tù nhân ra khỏi trại Guantanamo.

10* Cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng Viện



10.1. Mở cuộc điều tra

Ngày 5-3-2009, với 14 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Ủy ban Tình báo Thượng Viện (UB/TB/TV) đã cho mở cuộc điều tra về việc giam giữ và thẩm vấn của cơ quan Tình Báo Trung ương CIA trong thời gian từ năm 2001 đến 2006. (5 năm) tại trại giam Guantanamo. Đó là thời gian của chính quyền Tổng thống Bush.

Bản báo cáo dài 6,300 trang với phí tổn 40 triệu đô la. Nhóm điều tra đã xem xét 6 triệu trang tài liệu bao gồm điện tín, email, và các hồ sơ và hình ảnh khác trong đó có 9,400 tài liệu được xếp vào loại hồ sơ mật.

10.2. Báo cáo kết quả điều tra

Cuộc điều tra kéo dài 8 tháng. Kết quả được liệt kê tổng quát 20 điểm như: 870 tài liệu của CIA đã biến mất vào tháng 2 năm 2010 và 60 tài liệu khác cũng đã “bốc hơi” sau đó.

Kỹ thuật thẩm vấn nâng cao không phải là phương tiện có hiệu quả, do đó báo cáo về hiệu quả của nó là báo cáo không đúng sự thật. Điều kiện giam giữ tồi tệ hơn biện pháp cho phép. CIA né tránh hoặc cản trở sự giám sát của Quốc hội, của Nhà Trắng và ngay của phòng Tổng thanh tra của chính CIA.

11* CIA phản công

11.1. Cuộc đụng độ giữa CIA và Ủy ban Tình báo Thượng Viện



Hồi tháng 1 năm 2014, các quan chức CIA cho biết Ủy ban Tình báo Thượng Viện (UB/TB/TV) đã truy cập vào hệ thống máy tính của CIA, xem xét và loại bỏ tài liệu mà không được CIA cho phép.

TNS Dianne Feinstein thừa nhận việc đó và cho biết bản sao của các tài liệu bị xóa được đưa về Văn phòng Hart Office của Thượng viện với mục đích bảo vệ an toàn vì trong đó một băng ghi hình tra tấn tàn bạo đã bị phá hủy.

Trong bài diễn văn nẩy lửa dài 45 phút, TNS Feinstein đã cáo buộc CIA đã truy cập bất hợp pháp vào hệ thống computer của UB/TB/TV.

11.2. Phản công của CIA

Ngày 11-12-2014, một văn kiện 136 trang được CIA tung ra để phản công Ủy ban Tình báo Thượng Viện vì ủy ban nầy cho rằng kỹ thuật thẩm vấn tăng cường không có hiệu quả. Vô dụng.

Cơ quan nầy khẳng định những tù nhân bị áp dụng biện pháp đã “phun ra những thông tin vô giá”.

Qua kinh nghiệm thực tế, việc áp dụng biện pháp thẩm vấn thông thường đối với những tên khủng bố Á Rập Hồi Giáo cực đoan không có kết quả. Bắt buộc phải xử dụng biện pháp mạnh mà CIA đã phải trả 18 triệu đô la cho nhà thấu Mitchell, Jessen&Associates để được huấn luyện về biện pháp đó.

CIA cho biết những biện pháp mạnh đã thu được nhiều tài liệu đã phá vỡ những âm mưu khủng bố, bắt thêm nhiều tên khủng bố, đã làm suy yếu Al Qaeda.

Tóm lại, CIA là nạn nhận của cuộc đụng độ chính trị giữa hai bên, Dân Chủ và Cộng Hòa.

12* Quốc tế chỉ trích trại giam Guantanamo

Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Human Rights), bà Navi Pillay tuyên bố, trại giam Guantanamo phải đóng cửa ngay lập tức.

Cộng đồng quốc tế từ Liên Hiệp Quốc, các đồng minh của Mỹ ở Liên Âu (EU-European Union), Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), lãnh đạo nhiều quốc gia Á Rập, quê hương của những bị can ở trại…đã nhiều lần kêu gọi Hoa Kỳ phải đưa ra xét xử hoặc trả tự do cho tất cả những nghi phạm.

13* Đóng cửa trại giam Guantanamo không phải dễ

13.1. Tổng thống Obama chủ trương đóng cửa trại giam Guantanamo

Tổng thống Barack Obama liên tục nhắc lại ý muốn đóng cửa trại giam trước khi hết nhiệm kỳ của ông. Ông nói: “Tôi sẽ làm hết sức mình để đóng cửa nhà tù Guantanamo. Nơi đó là chủ đề mà lực lượng thánh chiến cực đoan tiếp tục khai thác, tuyên truyền để chiêu mộ thêm thành viên mới.

Sự hiện diện của nhà tù trái ngược với những giá trị của chúng ta và rất tốn kém. Ở đó chúng ta chi hàng triệu đô la cho mỗi cá nhân.

13.2. Đóng cửa không phải dễ

Bộ Ngoại giao phải bổ nhiệm một đặc sứ đi thuyết phục các quốc gia nhận lại những nghi can mang quốc tịch nước họ. Tuy nhiên Quốc hội yêu cầu phải có hai bảo đảm:

1. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải xác nhận những quốc gia nhận lại tù nhân sẽ không tài trợ cho khủng bố.

2. Bộ Quốc phòng phải nêu ra biện pháp bảo đảm rằng tù nhân được thả sẽ không hành động chống Mỹ.

Hai điệu kiện trên không thể thực hiện được vì ngoài tầm tay của Mỹ. Mặc dù Quốc hội cấm nhưng hành pháp đã đưa 6 người ra khỏi trại trong năm 2014. Trong đó 3 người đến Georgia, 2 người đến Slovakia và 1 người về Kuwait.

Hiện tại lưỡng viện Quốc hội dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng Hòa cho nên việc hủy bỏ sắc luật cấm di chuyển tù vào nước Mỹ và đến các nước khác có khó thực hiện.

Hiện còn 132 người ở trại, phân nữa số đó có thể thả nhưng các quốc gia liên hệ không chịu nhận nghi can khủng bố về nước họ.

Tuy nhiên còn 15 người, trong đó 5 người phải chịu trách nhiệm trong vụ đánh bom ngày 11-9-2001. Những tên khủng bố nguy hiểm nầy không được các quốc gia liên hệ nhận họ về.

14* Kết luận

Tổng thống Obama ghi nhận bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng Viện, đồng thời ông cũng bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào giám đốc CIA John Owen Brennan.

TNS Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng Viện cũng công nhận thành tích của CIA trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tuy nhiên bà rất quan ngại sâu sắc rằng việc CIA tìm kiếm thông tin của Thượng Viện đã vi phạm nguyên tắc ba quyền phân lập mà Hiến pháp Mỹ đã quy định.

CIA cho rằng họ thi hành theo lịnh mà Tổng thống George W. Bush đã ký trong bản ghi nhớ ngày 27-11-2002.

Tóm lại, Cộng Hòa Dân Chủ chơi nhau, CIA lãnh đủ.

Trúc Giang MN
Minnesota ngày 24-12-2014