Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nhật Ký Biển Đông: Thượng Đỉnh II Trump-Kim, Kết Quả Thật Ngỡ Ngàng

Thượng Đỉnh II Mỹ Triều ngày 28/2/2019 tại Hà Nội, Việt Nam .
Nhật  Ký Biển Đông: Thượng Đỉnh II Trump-Kim,
Kết Quả Thật Ngỡ Ngàng
Đào Văn Bình

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Hai ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

            -Yahoo News ngày 21/2/2019: “Quyết định của Cơ Quan Quản Trị Hàng Không cho phép máy bay dân sự Việt Nam mở đường bay thẳng tới Hoa Kỳ có thể khiến số lượng bán hàng của Boeing gia tăng, trong đó có loại máy bay mới 777X. Quyết định ban cấp Xếp Hạng Loại 1 về an toàn là cần thiết cho Hàng Không Việt Nam để có thể mở đường bay thẳng tới Hoa Kỳ sẽ tạo lợi nhuận khổng lồ cho Boeing.”

-AOL.com ngày 26/2/2019: “Một người đàn bà ở South Carolina đã chết sau khi bị hai con chó của bà ta cắn khi đang chơi với chúng ở sân trước cửa nhà. Bà hàng xóm nói rằng hai con chó dường như muốn ăn thịt sống bà Nancy Cherryl. Chúng nó ngoạn đứt hai cánh tay của bà này và kéo lê xác đi quanh sân.”

            Thảm họa chó dữ cắn chết người ta, cắn chết mình, cắn chết con mình…xảy ra như cơm bữa tại Hoa Kỳ nhưng vẫn còn rất nhiều, rất nhiều người nuôi loại thú dữ như thế này…không biết để làm gì. Thế mới hay trên đời này có rất nhiều người điên khùng, chuộng những thú vui quái lạ, dù thú vui đó đem lại thảm họa cho chính mình hay cho người khác.

Tình hình thế giới:

            -The Telegraph ngày 26/2/2019: “Ngày hôm nay, phi cơ chiến đấu Ấn Độ đã dội bom bên trong lãnh thổ Hồi Quốc giữa lúc căng thẳng quân sự giữa hai đối thủ thủ đắc vũ khí nguyên tử leo thang sau cuộc tấn công tự sát giết 42 binh sĩ Ấn Độ tại Kashmir tuần qua. Ấn Độ nói rằng máy bay của họ lần đầu tiên đã phá hủy một trại huấn luyện khủng bố nơi mà những người quá khích đang huấn luyện để tiến hành những cuộc tấn công chớp nhoáng kể từ năm 1971. Thế nhưng Hồi Quốc nói rằng cuộc oanh tạc không gây thiệt hại gì sau khi bị lực lượng phòng vệ đẩy lui. Tại Ấn Độ người dân xuống đường “ăn mừng” vì cuộc oanh kích này.” Thế nhưng vào ngày 27/2/2019, căng thẳng giữa Ấn Độ và Hồi Quốc bỗng leo thang khi mà hai bên đều tuyên bố bắn hạ máy bay của nhau. Hồi Quốc công bố hình ảnh máy bay Ấn Độ bị bắn rơi và bắt giữ hai phi công.

            -Reuters ngày 27/2/2019: “Phó Tổng Thống Venezuela, Bà Delcy Rodriguez sẽ hội thảo với Ngoại Trưởng Nga Lavrov tại Mạc Tư Khoa vào ngày 1/3/2019 và đây là chuyển động mới nhất giữa những đợt ngoại giao dồn dập tới Nga của đồng minh then chốt Venezuela. Cuộc gặp gỡ này nhằm ngăn ngừa một cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh Colombia vào Venezuela để lật đổ Ô. Maduro.” (Theo kiểu lật đổ rồi giết Ô. Gaddafi của Libya) Trong khi đó Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence họp với tổng thống tự phong Juan Guaido và thúc giục các quốc gia ủng hộ Ô. Maduro hãy bỏ rơi ông này.

Chiến Tranh Lạnh Mới:

            -Yahoo News ngày 18/2/2019: “Nhà sáng lập công ty viễn thông khổng lồ Huawei nói rằng họ không cần Hoa Kỳ để tồn tại. Ô. Ren Zhengfei nói với BBC trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi Bà Mạnh Vãn Chu- con gái của ông bị bắt tại Gia Nã Đại. Hiện nay công ty Huawei đang chịu áp lực rất lớn từ Hoa Kỳ đã và đang thúc giục đồng minh như Úc Đại Lợi, Anh và Tân Tây Lan không dùng những thiết bị 5G (thế hệ thứ 5) của Huawei vì lý do an ninh. Ô. Zhengfei nói rằng thế giới cần chúng tôi vì kỹ thuật tân tiến hơn của chúng tôi. 

Cho dù Hoa Kỳ có thuyết phục nhiều quốc gia tạm thời không dùng điện thoại của Huawei, chúng tôi vẫn coi nhẹ chuyện đó.”

            -Reuters ngày 21/2/2019: “Ô. Putin nói rằng, Mạc Tư Khoa sẽ đi cùng nhịp với mọi hành động của Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ dự tính triển khai hỏa tiễn nguyên tử sát Nga ở Âu Châu bằng cách sẽ nhanh chóng triển khai hỏa tiễn sát vào biên giới của Hoa Kỳ hoặc triển khai những hỏa tiễn nhanh hơn hoặc cả hai. Và rằng Nga không muốn đối đầu và không muốn đi bước đầu tiên để triển khai vũ khí nguyên tử để đáp trả lại quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa hiệp hạn chế vũ khí nguyên tử thời Chiến Tranh Lạnh. Thế nhưng trong lời lẽ mạnh mẽ về cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử mới, Ô. Putin nói rằng phản ứng của Nga về bất cứ cuộc triển khai vũ khí mới nào của Mỹ sẽ thật kiên quyết và ông cáo buộc một số nhà hoạch định chiến lược của Mỹ bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cho rằng Hoa Kỳ là biệt lệ/ngoại lệ (exceptionalism) và cần phải suy tính tới những hiểm nguy trước khi quyết định.  Ô. Putin còn nói rằng quân đội Nga đã sẵn sàng cho một cuộc Khủng Hoảng Hỏa Tiễn kiểu Cuba  năm 1962 nếu Hoa Kỳ điên khùng tới mức muốn như vậy và Nga có lợi thế khi Nga tấn công trước. Nga có thể triển khai hỏa tiễn nguyên tử siêu thanh trên các chiến hạm và tàu ngầm và nó có thể ẩn núp ở hải phận quốc tế, bên ngoài hải phận của Hoa Kỳ.”

                Lời tuyên bố này kinh khủng quá ! Hiện nay chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ do Ô. John Bolton điều khiển. Ông này là “siêu diều hâu” chủ trương dùng sức mạnh tiêu diệt kẻ thù mà không có thương thảo. Nếu có thương thảo thì đối thủ phải quỳ gối, tức phải chấp nhận mọi điều kiện do Hoa Kỳ đưa ra. Thế nhưng tình hình thế giới đã đổi thay. Một cuộc chiến tranh nguyên tử nào do Mỹ phát động thì Hoa Kỳ phải tiêu diệt hai kẻ thù Nga và Trung Hoa cùng lúc . Điều đó có nghĩa là, không thể để Nga-Mỹ bị tàn phá còn Hoa Lục thì bình yên. Và cũng không thể để Hoa-Mỹ bị tàn phá còn Nga thì bình yên. Nói tóm lại cả Nga-Hoa-Mỹ đều phải chết.

Trong bài viết “Chiến Tranh Nguyên Tử Gần Kề” đề này 31/10/2018, tôi đã nói rằng,  “Bối cảnh chiến tranh nguyên tử ngày hôm nay không giống như năm 1945 khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima mà Nhật Bản không có vũ khí nguyên tử để đánh trả. Ngày nay, Nga có 8000 đầu đạn hạt nhân, Hoa Kỳ có 7000 và Hoa Lục có 270. Chiến tranh nguyên tử xảy ra sẽ là thảm họa toàn cầu vì Mỹ có cả trăm căn cứ quân sự rải rác khắp thế giới mà những nơi này có thể tàng trữ vũ khí nguyên tử như Anh, Pháp, Đức và Ý. Ô. Putin tuyên bố rằng nếu Âu Châu cho Mỹ triển khai vũ khí nguyên tử thì Nga phải hướng các mũi nhọn nguyên tử vào đây.

Năm 1914 Thế Chiến I kết thúc với 11 triệu binh sĩ chết, 8 triện dân thường mạng vong. Ba mươi năm sau 1945 Thế Chiến II bùng nổ, 55 triệu người chết. Thế Chiến III  chắc số chết có thể lên tới 1 tỷ người. Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Đốn, Ba Lê, Luân Đôn, Rome, Bá Linh, Brussels (trụ sở của NATO), Tokyo, Nam Bắc Triều Tiên, Úc Châu, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan… có thể sẽ san thành bình địa. Trước thảm họa đó, Đại Hội Đồng LHQ ngày 27/10/2017 đã ban hành nghị quyết cấm vũ khí nguyên tử và lần hồi đi đến hủy bỏ hoàn toàn. Thế nhưng LHQ chỉ “hù dọa” được các nước nhược tiểu. Còn đối với Hoa Kỳ, Nga, Trung Hoa, Anh, Pháp, Đức, Do Thái…thì những nghị quyết này chỉ là mớ giấy lộn và LHQ chỉ là “chỗ vui chơi” như có lần Ô. Trump nói thế. Chiến tranh nguyên tử bây giờ không phải chỉ là máy bay ném bom hay hỏa tiễn liên lục địa mà cả xe tăng trang bị đại bác nguyên tử, thủy lôi nguyên tử khổng lồ có thể hủy diệt một hải cảng lớn như Nữu Ước. Đây sẽ là ngày tận thế và sau đó không biết trái đất sẽ ra sao? Một trật tự mới nào cho hành tinh chết (dead planet) này?”

Sau tuyên bố của Ô. Putin, đài truyền hình của chính phủ Nga đã liệt kê một số mục tiêu mà Mạc Tư Khoa sẽ tấn công trong trường hợp có chiến tranh nguyên tử và nói rằng hỏa tiễn siêu âm mà Nga đang phát triển có thể bay đến những mục tiêu này dưới năm phút nếu phóng đi từ tàu ngầm. Những mục tiêu gồm có Ngũ Giác Đài và trại nghỉ mát Camp Davis của tổng thống Mỹ tại Maryland.
-USA Today ngày 26/2/2019: “Tổng Thống Donald Trump viết trên Twitter rằng ông sẽ chậm lại việc gia tăng thuế nhập cảng đánh vào hàng hóa Trung Quốc và dự định gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago để kết thúc thỏa hiệp thương mại.”

Sự kiện cho thấy Hoa Kỳ chưa thể “giết” Hoa Lục mà vẫn theo đuổi chính sách cùng làm ăn buôn bán nhưng cảnh giác và kiềm chế.

Tình hình Trung Đông:

-Reuters ngày 19/2/2019: “Thái Tử Mohammed bin Salman ra lệnh thả khoảng 2,100  tù nhân Hồi Quốc nhân chuyến viếng thăm Islamabad. Theo Bộ Thông Tin Ả Rập Sê-út, Thái Tử Salman đã tới Hồi Quốc vào ngày 17/2/2019 khởi đầu chuyến công du Á Châu trong đó có Trung Hoa, Ấn Độ như một nỗ lực để lấy lại uy tín sau chuyện sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ả Rập Sê-út sẽ đầu tư 20 tỷ Mỹ kim vào Hồi Quốc và 100 tỷ Mỹ Kim vào Ấn Độ. Số phận của vài ngàn công nhân xuất khẩu Pakistan bị giam giữ trong các trại tù khắp Trung Đông là vấn đề nhạy cảm với Hồi Quốc mà hầu hết các tù nhân ngày đều là công nhân nghèo phải ra nước ngoài để làm thuê, làm mướn và không có bảo trợ pháp lý.”

            Công nhân nghèo phải ra nước ngoài làm thuê, ở đợ để kiếm sống, nhiều khi biến thành “nô lệ tình dục” là sự kiện đau lòng của các quốc gia nghèo đói như Việt Nam, Phi Luật Tân và Hồi Quốc. Nay ông thái tử này, vì lý do chính trị thả họ, nghĩ cũng là điều tốt. Hồi Quốc là quốc gia có vũ khí nguyên tử nhưng đất nước vẫn nghèo. Như vậy, thủ đắc vũ khí nguyên tử chưa phải là quốc gia hùng cường. Hãy lo cho dân cho nước giàu mạnh cái đã và nếu là nước nhỏ đừng bao giờ nghĩ tới việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Chính sách ngoại giao khôn  khéo cũng là một thứ “vũ khí lợi hại”. Ngoài ra ông Ả Rập Sê-út đang ngồi trên túi dầu lửa khổng lồ, ngồi trên núi vàng và núi đô-la. Thế nhưng một ngày không xa, giếng dầu hỏa cạn kiệt thì núi đô-la cũng xụp đổ và cả đất nước sẽ lang thang khắp vùng Trung Đông để ăn mày hoặc chăn lạc đà, chăn dê, chăn cừu. Do đó họ đã thấy xa, bung ra khắp thế giới để đầu tư để lo chuyện mai sau. Một thứ đầu tư thu lợi khổng lồ của thế giới ngày hôm nay là đầu tư kỹ thuật. Mà muốn có siêu kỹ thuật thì phải có chất xám. Muốn có chất xám phải có các đại học và dân trí thông minh, hiếu học. Dân tộc Việt Nam là dân tộc rất thông minh và hiếu học. Thế nhưng người Việt Nam cần bỏ bớt tình thần ich kỷ, chỉ nghĩ tới gia đình con cháu mình mà coi thường việc nhà, việc nước. Muốn quốc gia cường thịnh thì phải đặt ích nước trước lợi nhà.

            -AP ngày 24/2/2019: “Lần đầu tiên trong một cuộc tập trận hằng năm tại Eo Biển Hormuz, Ba Tư đã phóng thành công một hỏa tiễn hành trình từ một tàu ngầm. Hãng thông tấn bán công bán tư Fars đã trình chiếu đoạn băng thu hình một tàu ngầm màu xanh lục (màu tiêu biểu của Ba Tư)  nửa chìm trên mặt biển, phóng một hỏa tiễn màu cam, lao dưới nước như một thủy lôi rồi bay vút lên trời. Ba Tư nói rằng các tàu ngầm khác cũng có khả năng tương tự nhưng không cho biết tầm bắn của hỏa tiễn là bao xa.”

Tình hình Biển Đông:

            Tin trong nước ngày 16/2/2019: Trả lời câu hỏi về việc tàu chiến Mỹ đi ngang Quần Đảo Trường Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rằng, “Với tư cách là quốc gia thành viên Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

            Như vậy với tuyên bố này, Việt Nam không phản đối sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ hoặc Úc Châu, Ấn Độ, Anh Quốc, Nhật Bản…tại Biển Đông nếu họ đến đây để bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển, trên không đã được quốc tế công pháp công nhận.

Nhận Định:

                Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên đã thu hút sự chú ý của thế giới. Khoảng 2000 ký giả, phóng viên quốc tế đã đổ xô tới Hà Nội trước vài ngày để săn tin. Sau nhiều ngày đồn đoán, Ô. Kim Chính Ân đã tới Việt Nam bằng xe lửa, ghé Ga Đồng Đăng, Lạng Sơn sáng ngày 26/2/2019 (giờ Việt Nam) sau đó lên xe Limousin vượt 170 cây số về Hà Nội. Việc Ô. Kim Chính Ân “thích du hành bằng xe lửa” đã gây phức tạp cho nước chủ nhà về mặt an ninh. Còn Ô. Trump đã đến Phi Trường Quốc Tế Nội Bài tối ngày 26/2/2019. Cũng giống như Ô. Obama, Ô. Trump và Ô. Kim được dân chúng đứng hai bên lề đường vẫy cờ chào đón.  An ninh dày đặc bao trùm lên Thủ Đô Hà Nội để bảo đảm cho cuộc họp thượng đỉnh.

Hai ông Kim và Trump giả  đến từ Hương Cảng và Úc Đại Lợi có lúc gây náo nhiệt ở Hà Nội, cuối cùng đã bị trục xuất để trả lại sự trang nghiêm cho cuộc họp thượng đỉnh. Không thể có chuyện hai nguyên thủ quốc gia đang bàn về an ninh của thế giới mà hai “ông giả” lại đùa cợt, làm trò hề trên đường phố.

Ô. Kim Chính Ân ngụ tại Khách Sạn Melia, còn Ô. Trump ngụ tại Khách Sạn Marriott. Tân Gia Ba cho biết nội vấn đề an ninh cho hai Ô. Trump-Kim  trong Thượng Đỉnh I không thôi đã tốn hết 12 triệu Mỹ Kim. Việt Nam đã làm hết sức mình với tham vọng trở thành một quốc gia tổ chức những hội nghị về hòa bình cho thế giới qua khẩu hiệu, “Hợp Tác Vì Hòa Bình Thế Giới”. Ô. Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần xuống đường để giám sát kế hoạch an ninh và chỉ đạo việc trang hoàng đường phố cho thấy Việt Nam rất “lo lắng” về vấn đề an ninh và bộ mặt của Thủ Đô Hà Nội- mà đường phố chật hẹp xây từ thời Pháp thuộc và dân số quá đông.

Vào lúc 11 giờ trưa ngày 27/2/2019, Tổng Thống Donald Trump đã tới thăm Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận mua 100 máy bay 737 MAX trị giá 12.7 tỷ Mỹ Kim giữa Tổng Giám Đốc VietJet và Chủ Tịch kiêm Giám Đốc Điều Hành của Boeing.

Cũng trưa hôm đó, Tổng Thống Donald Trump cũng đã đến thăm Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai bên tiến hành cuộc họp song phương. Nhân dịp này Ô. Phúc đã đãi Ô. Trump và phái đoàn một bữa ăn trưa mà theo CNN gồm tám món trong đó có chả giò tôm cua, chả cá Lã Vọng, su su xào tỏi, xôi bọc lá sen và tráng miệng bằng chè hạt sen, long nhãn, nấm tuyết.

Vào 6:30 chiều cùng ngày 27/2/2019, hai Ô. Trump và Kim đã gặp nhau tại Khách Sạn Metropole, Hà Nội. Ô. Trump gọi Ô. Kim là “lãnh tụ lớn”, đất nước có tiềm năng kinh tế lớn không thể tin nổi và không giới hạn. Còn Ô. Kim ca ngợi Ô. Trump đã có quyết định can đảm để có cuộc họp thượng đỉnh lần hai như thế này và tin chắc rằng kết quả thật tuyệt vời như mọi người mong đợi và ông sẽ làm những gì tốt nhất cho điều đó.

Cuộc gặp gỡ và trình diện trước báo chí kéo dài 20 phút. Sau đó, hai nhà lãnh đạo dùng bữa tối cùng các cố vấn như Ngoại Trưởng Mike Pompeo, quyền Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Mick Mulvaney  và các nhà ngoại giao hàng đầu  của Bắc Triều Tiên như Đặc Sứ Kim Yong Choi và Ngoại Trưởng Ri Yong Ho. Theo The Telegraph, trước khi hai người bước vào dạ tiệc, Ô. Trump đã thúc giục “người bạn Kim” hãy nhìn Việt Nam như bản thiết kế/khuôn mẫu (blueprint)  phát triển kinh tế mà Bắc Triều Tiên có thể đạt được nếu từ bỏ vũ khí nguyên tử. Còn theo Sputnik News, trên Twitter Ô. Trump nói rằng Nga, Trung Hoa, Nhật Bản và Nam Triều Tiên rất hữu ích trong việc phi hạt nhân hóa và biến Bắc Triều Tiên thành sức mạnh kinh tế. Như vậy Ô. Trump bật đèn xanh lục cho bốn quốc gia này đầu tư vào Bắc Triều Tiên khi đạt được một thỏa hiệp như vậy.

Vào sáng 28/2/2019, cuộc họp giữa hai nguyên thủ quốc gia đã được tổ chức tại Khách Sạn Metropole. Thế nhưng theo Reuters, hội nghị chấm dứt đột ngột và không thông qua được bất cứ thỏa hiệp nào và không có tuyên bố chung. Trong cuộc họp báo sau đó, Ô. Trump mô tả đây là thời gian hết sức xây dựng. Tuy nhiên ông cảm thấy không phải là điều tốt để ký kết thỏa hiệp. Sự thất bại nằm ở chỗ bất đồng về việc Hoa Kỳ cấm vận Bắc Triều Tiên. Ô. Trump nói rằng, “Chỉ vì cấm vận. Chính yếu là họ muốn gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận và chúng tôi không thể làm thế. Họ sẵn sàng hủy bỏ một phần lớn những lãnh vực nguyên tử mà chúng tôi mong muốn nhưng chúng tôi không thể bỏ tất cả cấm vận.” Ô. Trump sau đó nói thêm, “Ô. Kim Jong Un chỉ muốn hủy bỏ những lãnh vực kém quan trọng chứ không phải những lãnh vực mà chúng tôi mong muốn.”  Ô. Trump cho biết chưa dự trù cho một thượng đỉnh thứ ba và bày tỏ lạc quan cuối cùng một thỏa hiệp rồi cũng sẽ đạt được. Ông cũng ca ngợi mối liên hệ với Ộ. Kim Jong Un là “rất thân thiện” cho dù có chấm dứt sớm cuộc họp.”

Sau cuộc họp thượng đỉnh, cả ông Trump lẫn ông Kim đều rời khỏi Khách Sạn Metropole mà không tham dự bữa ăn trưa như dự định. Để cứu vãn sự thất vọng và thoa dịu dư luận, Ngoại Trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ và Bắc Triều Tiên cần có thời gian để tổ chức lại. Ông hy vọng, đặc phái viên Mỹ Biegun và phái đoàn Bắc Triều Tiên sẽ sớm gặp lại nhau.

Sau bao tốn kém, chờ mong, sau bao lời tuyên bố hoa mỹ và hồi hộp. Cuối cùng tình hình Bắc Triều Tiên vẫn dậm chân tại chỗ. Cấm vận nghiệt ngã vẫn còn đó. Căng thẳng vẫn còn đó. Chưa có cuộc họp thượng đỉnh nào kỳ lạ đến như vậy. Có thể cả thế giới sẽ chán nản và không còn háo hức theo dõi nữa cho dù có một thượng đỉnh thứ ba. Biết trách ai đây? Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao không nới lỏng cấm vận từng phần? Bắc Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân tới đâu, Hoa Kỳ bỏ cấm vận tới đó cho tới khi Bắc Triều Tiên hủy bỏ hoàn toàn và Hoa Kỳ tháo bỏ cấm vận hoàn toàn? Nếu hai bên chưa đồng ý với nhau, dự thảo văn kiện để ký kết chưa thống nhất - thì tổ chức họp thượng đỉnh để làm gì? Hai nhà trai gái chưa đồng ý với nhau thì đem sính lễ tới nhà gái để làm gì?

Có lẽ nước chủ nhà Việt Nam rất buồn. Bao nhiêu tốn kém, bao nhiêu mong đợi. Nhưng người buồn nhất có lẽ là Nam Triều Tiên, bối rối không biết phải làm sao đây khi “ông chủ Hoa Kỳ” chưa bật đèn xanh lục cho một nền hòa bình ở Bán Đảo Triều Tiên. Tình hình Bắc Triều Tiên nhức đầu và chông gai quá! Chúng ta không còn cách nào khác hơn là…chờ  xem hồi sau sẽ rõ.

Đào Văn Bình(California ngày 28/2/2019)