Matt Mahan

ads header

Breaking News

Luật chống tra tấn của Hoa Kỳ: bắt thủ phạm trả giá

Bà Đoàn Thị Hồng Anh, hiện cư ngụ ở Michigan, là vợ của giáo dân Cồn Dầu Nguyễn Thành Năm, bị tra tấn đến chết năm 2010 
Luật chống tra tấn của Hoa Kỳ: bắt thủ phạm trả giá

• Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 9 tháng 10, 2017
http://machsongmedia.com

Trong một bài trước đây tôi kể câu chuyện lý thú của cụ ông Gustavo Villoldo, người Mỹ gốc Cuba sinh sống ở Miami, cùng với người em đã kiện 2 anh em Fidel và Raul Castro về tội tra tấn – chính quyền Cuba đã từng hăm doạ và tìm cách hãm hại 2 anh em Ông Villoldo vì các hoạt động chống chính quyền Cuba. Năm 2011 toà tiểu bang Florida ở Dade County đã tuyên án là 2 anh em Castro phải bồi thường 2 anh em Villoldo 2.8 tỉ Mỹ kim. Điều này cho thấy “cánh tay dài” của luật pháp Hoa Kỳ.

Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Tra Tấn (Torture Victims Protection Act, hay TVPA), ban hành năm 1992, cho phép nạn nhân tra tấn đang cư ngụ ở Hoa Kỳ khởi kiện dân sự các thủ phạm đằng sau các hành vi tra tấn đã xảy ra không quá 10 năm trước ngày đơn kiện được nộp vào toà. Nguyên đơn phải chính là nạn nhân trong trường hợp bị tra tấn. Trong trường hợp nạn nhân bị giết, thân nhân hay người đại diện hợp pháp có quyền đứng đơn kiện. Nguyên đơn có thể là công dân Hoa Kỳ hay chỉ đang cư ngụ ở Hoa Kỳ.

Chúng tôi biết ít ra có 30 trường hợp người Việt ở Hoa Kỳ thuộc phạm vi của Luật TVPA. Khi đứng đơn kiện, những người này có thể có các mục tiêu khác nhau, như:

(1)    Phanh phui mặt thật của chế độ trước ánh sáng công lý của toà án Hoa Kỳ;

(2)    Bắt các thủ phạm thực hiện hay bao che hành vi tra tấn phải bồi thường tổn thương;

(3)    “Dằn mặt” các quan chức của đảng và nhà nước Việt Nam để họ phải chùn tay trong chính sách tra tấn.

Họ ở đây là các cá nhân hành động trong thẩm quyền của giới chức chính quyền, hoặc là cá nhân ngoài chính quyền nhưng hợp tác chặt chẽ với một giới chức chính quyền trong hành vi tra tấn hay giết người. Họ bao gồm những người trực tiếp ra tay, hoặc người ra chỉ thị, hỗ trợ, khuyến khích hay bao che cho hành vi tra tấn hay giết người. Họ có thể đương nhiệm, đã chuyển nhiệm sở hay đã về hưu.

Bà Đoàn Thị Hồng Anh, hiện cư ngụ ở Michigan, là vợ của giáo dân Cồn Dầu Nguyễn Thành Năm, bị tra tấn đến chết năm 2010

Các trường hợp có thể khởi kiện

Cách đây 20 năm, tôi đề nghị một số bác cựu tù cải tạo đến Hoa Kỳ theo chương trình HO hãy dùng Luật TVPA để kiện những người cộng sản đứng sau các chính sách tra tấn dã man và các vụ xử bắn trong tù cải tạo. Không thấy ai hưởng ứng, năm 1999 BPSOS đứng ra thực hiện việc trục xuất Ông Bùi Đình Thi nhằm chứng tỏ cách vận dụng luật pháp Hoa Kỳ và khuyến khích cộng đồng Việt làm theo.

Nhưng rồi vẫn không ai làm gì cả. Có lẽ cách đây 20 năm chính các nạn nhân hãy còn quá bỡ ngỡ và cộng đồng người Việt nói chung vẫn chưa quen thuộc với giòng chính. Nay tình hình có thể đã khác, nhưng các trường hợp bị tra tấn trong tù cải tạo đã vượt quá thời hiệu 10 năm của Luật TVPA.

Tôi vẫn cứ tiếc, nếu lúc ấy mà người Việt ở Hoa Kỳ biết khai thác luật TVPA thì đã có cả trăm cho đến cả nghìn vụ kiện tạo ác mộng cho giới cầm quyền thời bấy giờ và chắc chắn đã tác động mạnh lên tình hình đất nước ngày hôm nay.

Tuy trễ nãi, chúng ta vẫn còn cơ hội vì trong những năm gần đây nhiều nạn nhân tra tấn đã đến Hoa Kỳ tị nạn. Tôi biết ít ra khoảng 30 trường hợp, có thể phân ra làm 3 thành phần. Thành phần thứ nhất gồm những người bị trục xuất khỏi Việt Nam như Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, Blogger Tạ Phong Tần, Mục Sư Nguyễn Công Chính, Bà Trần Thị Hồng… Thành phần thứ hai gồm các người bị tra tấn ở Việt Nam; họ chạy sang Thái Lan tị nạn và nay đã định cư ở Hoa Kỳ như một số giáo dân Cồn Dầu, khoảng chục người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành, và nửa chục tu sĩ hay cựu tu sĩ Phật Giáo Khmer Krom. Thành phần thứ ba là thân nhân ở Hoa Kỳ của những người đã bị đánh đến chết như là giáo dân Cồn Dầu Nguyễn Thành Năm, tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn, chấp sự Tin Lành người Hmong Hoàng Văn Ngài…

Cộng đồng người Việt có thể yểm trợ cho họ để thực hiện nhiều chục đơn kiện ở các toà liên bang và tiểu bang, rải từ bờ Đông sang bờ Tây Hoa Kỳ.

Tác dụng lên các thủ phạm và toàn chế độ

Nếu khai thác đúng cách, Luật TVPA sẽ tạo ảnh hưởng tương đương với Luật Magnitsky Toàn Cầu: ngăn chặn nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tịch biên tài sản ở Hoa Kỳ.

Một đòi hỏi của Luật TVPA là nguyên đơn tống đạt trát toà khi bị đơn đang có mặt ở Hoa Kỳ. Sau khi nhận trát toà, bị đơn sẽ rơi vào thế lưỡng nan. Ra hầu toà thì phải đối chất về các hành vi đàn áp nhân quyền. Không hầu toà thì đương nhiên thua kiện và phải bồi thường có thể gấp 3 lần mức tổn thương của nguyên đơn. Nếu bị đơn có tài sản ở Hoa Kỳ, thì nguyên đơn có quyền tịch biên tài sản ấy. Đây là tình trạng tương tự với vụ kiện mà nguyên đơn là các nạn nhân bị buôn lao động sang American Samoa và bị đơn là 2 công ty quốc doanh Việt Nam. Bị đơn đã không hầu toà nên đương nhiên thua kiện và bị  toà án American Samoa tuyên án phải bồi thường trên 3 triệu Mỹ kim cho khoảng 250 nạn nhân. Đó là năm 2002.

Vận dụng Luật TVPA, nguyên đơn có thể chọn phương pháp “mai phục” hay “dằn mặt”. Mai phục nghĩa là âm thầm khởi hiện và canh chừng để hễ bị đơn đặt chân đến Hoa Kỳ thì lập tức tống đạt trát toà để bị đơn không kịp trở tay. Còn dằn mặt nghĩa là công bố danh tính của bị đơn để bị đơn không dám bén mảng đến Hoa Kỳ.

Các vụ kiện này, nhất là khi thực hiện hàng loạt, sẽ dồn các quan chức của chế độ vào thế bị động: Họ có thể bất khả xâm phạm ở trong nước nhưng sẽ phải hầu toà ở Hoa Kỳ để bị đối chất về các hành vi đàn áp nhân quyền nghiêm trọng. Nếu có tài sảnh ở Hoa Kỳ, tài sản ấy có thể bị tịch biên. Hơn nữa, các vụ kiện đồng loạt ở nhiều nơi sẽ ép toàn thể chế độ vào thế bị động; họ sẽ phải thuê hàng chục hãng luật để biện hộ và chỉ định nhiều nhân viên lãnh sự để theo dõi từng vụ kiện một. Chỉ cần sơ sểnh một bước là có thể phải bồi thường bạc tỉ như chơi.

Không như Luật Magnitsky Toàn Cầu, do Hành Pháp thực thi, các vụ kiện theo Luật TVPA do chính nạn nhân thực hiện và chủ động, kể cả việc tịch biên tài sản sau này.

Cách thực hiện

Từ đầu năm, BPSOS đã hỗ trợ 8 hồ sơ giáo dân Cồn Dầu là nạn nhân tra tấn hay là thân nhân của người bị đánh chết để soạn đơn kiện các giới chức Việt Nam ra toà. Cách đây 2 tuần, một hãng luật đã hoàn tất cuộc nghiên cứu về tính khả thi. Dựa vào đó, Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu đã quyết định hỗ trợ các nạn nhân khởi kiện. BPSOS đang tìm hãng luật thứ hai để thực hiện hồ sơ kiện. Chính các nguyên đơn tự đóng góp cho chi phí luật sư với sự hỗ trợ của các gia đình cựu giáo dân Cồn Dầu khác.

Thực hiện bao nhiêu hồ sơ kiện và ở những toà nào còn tuỳ nhiều yếu tố mà chúng tôi sẽ phải cân nhắc.  Chẳng hạn toà tiểu bang ở Dade County, Florida có thể là nơi thuận lợi vì đã từng xử 2 anh em Castro, thủ lĩnh của Cuba, phải bồi thường cho 2 anh em Villoldo 2.8 tỉ Mỹ kim.

Ngoài hồ sơ Cồn Dầu, BPSOS có thể giúp cho các trường hợp khác bằng cách: (1) chia sẻ kinh nghiệm, (2) soạn và dịch lời tường thuật về kinh nghiệm bị tra tấn, và (3) tìm luật sư có thể miễn phí hay giảm phí. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi các cộng đồng tôn giáo hay sắc tộc nếu có thành viên là nạn nhân thì hãy hỗ trợ tinh thần và tài chính cho họ khởi kiện. Đối với những nạn nhân không thuộc một cộng đồng tôn giáo hay sắc tộc nào, chúng tôi kêu gọi các đoàn thể đấu tranh, các nhóm thân hữu, và những cá nhân có lòng chia nhau hậu thuẫn từng người một về tinh thần và tài chính khi khởi kiện.

Kết luận

Kiện thủ phạm tra tấn ra toà là một phần của Kế Hoạch Xoá Bỏ Tra Tấn mà BPSOS khởi xướng năm 2012. Chương trình này gồm nhiều bước.

Trước hết, trong 2 năm 2012-2013, chúng tôi vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ áp lực chế độ ở Việt Nam ký và chuẩn duyệt Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn. Điều này họ đã làm.

Bước thứ 2 là theo dõi việc thực thi công ước này. Đầu năm 2014, BPSOS đồng sáng lập Chiến Dịch Bài Trừ Tra Tấn ở Việt Nam (xem: http://www.stoptorture-vn.org/), là một nỗ lực quốc tế vận ở hải ngoại. Chiến dịch này đã phát hành bản phúc trình quy mô về tình trạng tra tấn ở Việt Nam (xem: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/01/vietnam-torture-and-abuse-01-16-2014.pdf). Cuối năm 2016, BPSOS yểm trợ việc hình thành Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự ở trong nước (xem: http://endtorturevn.org/article.php?&L=vi&M=1&CID=366&ORGID=0&AID=0&CID=366).

Bước thứ 3 là chế tài thủ phảm tra tấn theo Luật Magnitsky Toàn Cầu. Đầu năm 2017, BPSOS chọn 8 hồ sơ để lập danh sách đề nghị chế tài, trong đó hết 7 hồ sơ liên quan đến tra tấn. Các danh sách này đã được nộp cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ.

Kiện thủ phạm tra tấn ra toà Hoa Kỳ theo Luật TVPA là bước thứ 4. Tôi mong rằng, giờ đây, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ sẽ không để lỡ cơ hội lần nữa trong việc khai dụng Luật TVPA nhằm đem lại công lý cho các nạn nhân bị tra tấn, trừng phạt và dằn mặt các thủ phạm tra tấn, và áp lực chế độ ở VIệt Nam phải nghiêm chỉnh thực thi Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn.

Chúng tôi chắc chắn không có đủ danh sách của các người hiện ở Hoa Kỳ và đã từng bị tra tấn ở Việt Nam trong thời gian 10 năm trở lại.  Những ai nghĩ mình nằm trong diện này, thì xin báo cho chúng tôi biết qua email: bpsos@bpsos.org. Chúng tôi sẽ giải thích các thông tin cần được cung cấp.

Bài liên quan:

Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Thế kẹt của chính quyền khi bị kiện
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html

23 tổ chức kêu gọi áp dụng Luật Magnitsky lên 15 quốc gia
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1251-2017-09-12-21-47-32.html

Làm sao để trục xuất kẻ vi phạm nhân quyền khỏi Hoa Kỳ
http://www.machsongmedia.com/congdong/phat-trien-cong-dong/1148-2016-10-18-22-04-17.html

Chiến dịch xoá bỏ tra tấn ở Việt Nam -- TUYÊN BỐ CHUNG
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2791