Biển Đông: Bắc Kinh thúc đẩy quân sự hóa đội tàu cá
Ảnh minh họa: Tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc bị lực lượng Tuần Duyên Hàn Quốc bắt giữ, neo tại cảng Incheon ngày 09/10/2016. Yoon Tae-hyun/Yonhap via REUTERS |
(RFI) Trong thông điệp năm mới dương lịch ngày 31/12/2016, lãnh đạo Bắc Kinh Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ « không để bất kỳ ai » tranh giành chủ quyền biển đảo và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Thông điệp đầy tính đe dọa này đã được minh họa một cách cụ thể trong trường hợp Biển Đông : Trước ông Tập Cận Bình ít lâu, một lãnh đạo quân sự cao cấp tại đảo Hải Nam, đã nhắc nhở các thành viên Dân Quân Biển nước này rằng họ đều là những « cột mốc chủ quyền di động ».
Trong bài phát biểu hôm 29/12/2016, ông Hình Cẩm Trình (Xing Jincheng) chính ủy lực lượng võ trang Trung Quốc trên đảo Hải Nam, chịu trách nhiệm quản lý Biển Đông, đã tái khẳng định nhiệm vụ của Dân Quân Biển Trung Quốc là thực hiện các « chiến dịch chủ quyền dân quân » và bảo vệ các « vùng biển của tổ tiên », tức là những vùng lãnh hải « vốn thuộc về Trung Quốc từ ngàn xưa ».
Đối với nhân vật lãnh đạo cấp ủy Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong lực lượng võ trang đảo Hải Nam này thì « các vùng biển lặng không hẳn là êm ả », do đó Dân Quân Biển Trung Quốc « phải tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu ».
Tuyên bố đầy sát khí trên đây một lần nữa chứng minh ý đồ của chính quyền Trung Quốc là biến đội tàu đánh cá – trên danh nghĩa là dân sự - của Trung Quốc thành vũ khí bảo vệ điều mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông cũng như ở nơi khác.
Đạo quân trên biển thứ ba sau Hải Quân và Hải Cảnh
Theo các nhà quan sát, lực lượng Dân Quân Biển Trung Quốc đã được chính quyền tăng cường quân số, huấn luyện, đào tạo và cung cấp trang bị để trở thành một lực lượng bảo vệ biển thứ ba của Bắc Kinh, ngay sau hai lực lượng chính thống là Hải Quân và Hải Cảnh.
Được thành lập từ những năm 1970, lực lượng này không ngừng được nhân rộng. Một báo cáo năm 1978 ước tính rằng Dân Quân Biển Trung Quốc bao gồm 750.000 người và 140.000 tàu. Quy mô của lực lượng này hiện nay không được tiết lộ, nhưng với ưu tiên dành cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc, lực lượng này chắc chắn đông đảo hơn rất nhiều.
Một số liệu chính thức cho phép ước lượng quy mô của đạo dân quân biển Trung Quốc : Tính đến năm 2013, Trung Quốc có khoảng 21 triệu ngư dân, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Theo báo cáo năm 2012 của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, Trung Quốc có khoảng 439.000 tàu đánh cá chạy bằng động cơ. Hai yếu tố này làm tiền đề rất tốt cho việc tăng cường dân quân.
Không chỉ là số lượng đông. Lực lượng này còn được huấn luyện về kỹ năng hoạt động.
Nhật báo Anh Ngữ China Daily vào tháng Hai/2016 tiết lộ rằng lực lượng Dân Quân Biển của Trung Quốc « đang cải thiện khả năng hoạt động » để trở nên mạnh mẽ hơn. Đối với với tờ báo, đó là « kết quả của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực trên biển và bảo vệ lợi ích của đất nước ».
Vai trò trợ thủ đắc lực cho Hải Quân Trung Quốc của lực lượng này đã được tờ báo công nhận khi cho biết là chính quyền đã tổ chức « những cuộc tập huấn thực tế trên biển cho các dân quân địa phương để tăng cường khả năng chiến đấu của họ, » cho phép « dân quân biển đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc tập trận do Hải Quân tổ chức ».
Mục tiêu: Áp đặt chủ quyền Trung Quốc ở vùng tranh chấp
Theo một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore : « Các quan chức Trung Quốc coi các ngư dân và tàu cá là những công cụ quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp ».
Trong một phiên điều trần của Quốc Hội Mỹ tháng 09/2016, tiến sĩ Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu về Dân Quân Biển Trung Quốc thẩm định : « Không nên ngộ nhận : đó là một lực lượng được Nhà Nước thành lập, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đội ».
Đối với chuyên gia này Trung Quốc lại gây quan ngại « khi thúc đẩy việc phát triển dân quân biển, một lực lượng mà nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là hoạt động bán quân sự, còn đánh cá chỉ là thứ yếu ».
Tóm lại, chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc không chỉ được thể hiện trên bề nổi là sự hiện diện của quân đội và vũ khí Trung Quốc trong vùng, mà còn thông qua điều mà giới phân tích phương Tây gọi là Đạo Quân Biển Thứ Ba (Third Sea Force) này, một lực lượng bán quân sự ngụy trang dưới vỏ bọc đội tàu cá dân sự, được tung vào các « chiến dịch tấn công trong vùng xám » (grey-zone aggression).
Chiến lược gây hấn kiểu tranh tối tranh sáng
Trong một bài viết trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat ngày 24/12/2016, chuyên gia Ong Weichong cũng thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế - Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, đã vạch trần sách lược sử dụng các cuộc tấn công trong vùng xám này của Trung Quốc.
Khi tung một lực lượng trên danh nghĩa là « dân sự », vào những chiến dịch khiêu khích các lực lượng quân sự của đối phương, hoặc để chiếm đóng một nơi nào đó, Bắc Kinh luôn luôn có thể thoái thác trách nhiệm nếu bị chỉ trích, đổ lỗi cho hành vi của ngư dân hay tàu cá.
Mặt khác, nếu lực lượng chính quy của đối phương phản ứng quá mạnh, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể lớn tiếng đả kích việc dùng quân đội đàn áp « dân thường ».
Theo ông Ong Weichong, « một phương pháp tiếp cận như vậy cho phép Trung Quốc tùy ý hành động nhưng lại giảm đi nguy cơ leo thang xung đột quân sự ».
Một ví dụ điển hình về hành động của đội dân quân biển Trung Quốc là vụ sách nhiễu tàu nghiên cứu hải dương Mỹ USNS Impeccable tại Biển Đông ngày 08/03/2009.
Năm chiếc tàu của Trung Quốc – bao gồm một tàu do thám của Hải Quân, một ngư chính, một tàu tuần tra hải dương học của chính phủ, và hai tàu đánh cá đã bao vây chiếc Impeccable trong vùng biển quốc tế, cách bờ biển phía nam đảo Hải Nam khoảng 75 dặm. Các tàu nhà nước Trung Quốc thì ở xa, trong lúc hai tàu cá Trung Quốc thì áp sát tàu Mỹ, thậm chí dừng lại ngay trước mũi tàu của đối phương buộc chiếc Impeccable phải khẩn cấp bẻ lái để tránh va chạm và gây nên một sự cố quốc tế.
Gần đây hơn, dân quân biển Trung Quốc cũng được phái đến vùng Biển Hoa Đông vào tháng Tám 2016, với vụ 230 tàu đánh cá Trung Quốc đi kèm với sáu tàu Hải Cảnh tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Đó là chưa kể đến việc lực lượng này thường trực tại vùng bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm lấy từ tay Philippines, để chặn đường không cho ngư dân Philippines đến đánh bắt tại vùng ngư trường truyền thống của minh.
Vấn đề là cho đến nay, các chính phủ nước ngoài thường chỉ chú ý đến các hành động của hai lực lượng chính quy trên biển của Trung Quốc là Hải Quân và Hải Cảnh, còn những hành vi tai hại không kém của lực lượng Dân Quân Biển lại ít được quan tâm.
Đối với các chuyên gia, chính quyền các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ phải nhận thức đúng mức mối nguy hại này để có biện pháp đối phó, và nhất là để ngăn chặn bàn tay của Trung Quốc. Trong cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ tháng 9 vừa qua, chuyên gia Andrew Erickson khuyến cáo : « Chúng ta phải cho Bắc Kinh hiểu là chúng ta biết rõ chiêu trò của họ ».